Sunday, July 28, 2024

My Sunday

 


My Sunday

Today is Sunday, a “lazy day”. A day of rest for everyone after a whole week of work. The mind can relax for those who work in a profession that uses the brain all week. What can I relax for someone who has stopped working outside like me??? But why does my head never stop having a series of thoughts running through it? Even if I say it’s a lazy day, it’s still the same. My brain is also “hard work” right?? Working without ever stopping to think. And when the brain stops thinking… becomes empty, then I must have become a Zen master??? or my brain will be dead, with nothing left.

Today I will still garden, cook, do housework, read books, watch the Olympics in Paris on TV… A day like any other day.


Hôm nay ngày chủ Nhật là “ngày làm biếng” đó. Ngày nghĩ ngơi của mọi người cho cả tuần làm việc. Trí óc có thể thả lỏng cho những ai chuyên làm nghề sử dụng trí não cả tuần. Người đã hết làm việc ngoài đường như tôi thì thả lỏng cái gì nhỉ ??? Mà sao cái đầu cũng chẳng bao giờ là thôi có hằng loạt ý chạy qua trong đầu. Cho dù có nói ngày làm biếng đi nữa thì cũng vậy thôi. Cái não của mình cũng “cực khổ” quá đi đó nhỉ ?? làm việc không khi nào ngưng nghĩ ngợi. Mà khi não bộ chấm dứt hết những ý nghĩ ...thành rỗng trống không thì chắc là mình thành thiền sư, hay là não chết đó mới không còn gì.

Hôm nay sẽ vẫn làm vườn, nấu bếp, làm việc nhà, đọc sách, coi tivi Olympic ở Paris...Một ngày như mọi ngày.

Sunday, 28 July 2024




Saturday, July 27, 2024

Đi Dạo Trên Sông


 

Đi dạo trên sông

Hôm nay thứ Bảy, nhớ thứ Hai còn ở Windsor
Sáng thứ hai đó được leo lên ca nô đi dạo dọc theo sông Detroit. Hai bên bờ là các đảo nhỏ có nhà cửa hãng xưởng và cũng có đảo không thấy nhà cửa. Cảnh đẹp bình an, sông nước hữu tình.
Có đảo không có nhà và người, cảnh vật được bảo tồn tự nhiên. Tưởng tượng có vài con sói, con gấu hay con nai ... xuất hiện cũng vui đó.
Được đi chui dưới 2 cây cầu bắt ngang qua sông nối 2 bên bờ sông . Là đúng nghiã cây cầu biên giới. 1 cầu mới đang xây, 1 cầu cũ đang hoạt động. Cũng có mấy lần đã đi qua cầu để từ Windsor tới phi trường Detroit bay tới California ăn đám cưới. Lúc đó cả nhà có bà mợ từ Mũi Né qua đi dự nữa. Đi dưới cầu thấy cây cầu nhỏ, nhưng tới gần cầu nhìn lên thấy xe vận tải chạy nườm nượp mấy lane mới hình dung cây cầu to lắm...
Canô chạy dọc theo giòng sông, giữa sông là biên giới 2 nước Canada và US. Đâu có thấy hàng rào hay cái gì để ngăn đôi, có vài cột mốc màu xanh hay đỏ thôi. Nhưng khi đi giữa sông nếu qua bên kia một chút thì không khí cũng vậy mà nước sông cũng giống như nhau. Chỉ có cái Iphone tin một tiếng, mở ra là tin nhắn của công ty cell phone gởi message cho biết đang ở bên phiá US. Hà hà thì ra vô tình “vượt biên” đó, không khí cũng có biên giới rạch ròi mà người trần mắt thịt như tôi có thấy đâu là đâu. Thuyền chạy dọc ở giữa cũng sát bờ phiá Canada mà, ai đâu phân biệt được là bên nào. Mà cũng chẳng có lính canh hay biên phòng...bồng súng canh gác. Biên giới hoà bình nên người trên thuyền cũng không có gì lo ngoài việc ngắm cảnh. 2 Bên bờ thật đẹp. Đi trên đường khó thấy khung cảnh bao quát như thế này. Công viên dọc theo bờ sông rất đẹp. Các toà cao ốc hay bên bờ cũng rất hoành tráng mỹ lệ. Không khí trong lành, nếu có gì trong lòng thì cũng vứt bỏ là hít thở khí trời và thanh thản mà thưởng thức cảnh mây trời sông nước mênh mang. Cảnh thanh bình là đây, cảnh đẹp tìm đâu nữa??? Mà cho dù cảnh đẹp nhưng nằm trong xã hội không hoà bình thì cũng không thanh bình yên tâm mà đi chơi đâu.
Chạy dọc theo giòng sông, ngừng lại cho thuyền trôi bềnh bồng, nói chuyện bân quơ....rồi trở lại chỗ xuất phát. Thuyền nhỏ làm cho mình gần sóng nước, nhìn trời cao cũng thấy trời đất hài hoà, tâm bình an. Kết thúc chuyến đi dạo mà lòng vui vẻ.
Cám ơn gia đình em Út, cám ơn ông xã em Út lái thuyền đi chơi buổi sáng
27July 2024


Friday, July 26, 2024

Duyên Kỳ Ngộ

 


Gặp Gỡ

Hôm đó vào siêu thị mua trái cây. Đang đứng sắp hàng trả tiền thì anh K quay lại nói:

  • Em, người đứng trước mình này là Việt Nam.

Tôi cười với người mặc váy áo trong áo ngoài màu xanh lá cây hỏi:

  • Chào chị, chị là người Việt?

  • Ừ tui là người Ê Đê

Anh K lại hỏi:

  • Ở Việt Nam chị ở đâu?

  • Tui ở Buôn Mê Thuộc

Tôi buồn cười quá nói với chị

  • Tui cũng là người thượng liang biang ở Đà Lạt đó chị.!?!?!?

Tôi xạo xự cho vui, cḥị cũng cười, chị chỉ người con gái trước mặt nói

  • Con gái tui đó

Anh K hỏi:

  • Có chồng chưa?

Chị Ê Đê cười

  • 4 con rồi

Tôi hỏi chị:

  • Chị tên gì?

  • Tui tên Giỏ

Tôi hỏi chị :

  • Con gái tiếng dân tộc của tui gọi là “con chao”, con chao bắt cái chồng, con đẻ ra mang họ mẹ đó.

  • Ừ đúng rồi.

Chị Giỏ cười tươi rói.

Lúc đó mua bán đã xong con gái chị nhìn tôi cười và dẫn mẹ đi.

*****

Tại giữa thành phố Windsor gặp người phụ nữ Ê Đê từ Buôn Mê Thuộc tới định cư cũng như tôi, người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ thì phải ???. Trí nhớ của tôi quay ngược lại lúc cha mẹ ở Quảng Đức.

Năm 1961 Ba má tôi dọn tới định cư ở khu dinh điền Quảng Đức. Ba má mở tiệm thuốc ngay chợ Gia Nghiã. Có nhiều người bạn tới mua thuốc, trong đó có ông y tá làm tại bệnh viện là bạn học với má tôi trong lớp y tá tại Đà Lạt là người RhaĐê, Sau này gọi tên mới là người Ê Đê (?) , Cũng có vài cô y tá cùng lớp với má tôi tới mua thuốc lại gặp nhau. Có cô Phượng là hay ghé thăm má tôi và hai bà tâm sự đủ thứ. Cô Phượng tới chơi thấy tôi thích may áo thì cô tỉ mỉ dạy cách cắt may cho tôi nữa.

Có muà hè ba má gởi tôi và em trai qua Buôn Mê Thuộc nghĩ hè tại nhà cậu mợ, cũng nhờ cậu mợ kèm học hè. Buổi sáng hai chị em học làm toán đố, tập làm văn và chính tả do cậu dạy. Chiều cậu dẫn đi phố Buôn Mê Thuộc, lúc đó chỉ có một con đường có tiệm quán...cậu hay tới tiệm sách Văn Hoa mua báo và sách về đọc. Cậu là thầy giáo dạy tiểu học ở Buôn Hô. Có ngày cậu đạp xe đạp dàn chở tôi và em trai, 1 đứa ngồi trước dàn, 1 đứa ngồi sau bọt- ba- ga sau lưng cậu tới trường cậu dạy. Tới vườn trường hái bắp và đậu đuã. Đi chơi lòng vòng quanh trường rồi cậu lại gò lưng đạp xe đạp có 2 bao bắp và đậu móc ngay tại hai bên tay lái, thêm 1 đứa cháu ngồi ngay dàn xe, 1 đứa ngồi sau lưng và đạp từ từ về nhà, tôi nhớ khi nào lên dốc 2 đứa cháu xuống xe leo dốc với ông cậu hì hục đẩy xe đạp với 2 cái bao nhỏ bắp và đậu 2 bên tay lái. Nghĩ lại cũng nặng và khó xoay xở tay lái mà sao lúc đó cậu vẫn dẫn chúng tôi đi nhiều lần. Có lần ông bà ngoại lên thăm ở lại. Ông ngoại cũng đi tới trường cậu dạy và còn chụp ảnh nữa. Nhờ vậy chúng tôi còn mấy tấm ảnh chụp trong 1 ngôi trường nhỏ trong Buôn Hô ở Buôn Mê Thuộc.

Nếu tôi nhớ không sai thì Việt Nam có khoảng 55 chủng tộc thiểu số. Các vùng cao nguyên mà gia đình chúng tôi đã sinh sống đều có các sắc tộc khác tới sinh sống lâu đời cả ngàn năm trước phải không ???. Khi ở Quảng Đức ba tôi vẫn giao tiếp thân thiện với nhiều tộc trưởng các bộ tộc Kờ Ho, Hờ Mông...Nói chung gọi là người thượng.

Còn khi tới định cư Canada thì ở đây có First Nation People đã định cư cả ngàn năm. Chuyện vui là ngay tại thành phố Windsor lại có duyên gặp người dân tộc Ê Đê sinh sống. Thật là duyên kỳ ngộ ha. Tôi và chị bạn mới chụp 1 tấm ảnh kỷ niệm. Khi đứng gần chị chụp ảnh tôi lại ngửi thấy mùi nắng khét trong không khí như “mùi thượng” đặc trưng năm xưa ở cao nguyên Gia Lai và Đắc Nông lúc còn nhỏ.

Cám ơn đã đọc chuyện xưa của MỹPhương.




Thursday, July 25, 2024

Picnic


 


Picnic

Chủ Nhật vừa qua được em Út sắp xếp đi cắm trại với trường Việt ngữ Văn Lang Windsor.

Duy trì tiếng Việt cho con cháu là nỗi lo của cha mẹ ông bà Việt ở nơi này. Cho nên người mở trường có tâm, cha mẹ ông bà cũng mong con cháu nói viết được tiếng Việt.

Tôi cũng được hân hạnh đi chơi, ra công viên tham gia sinh hoạt cộng đồng. Từ khi đại dịch COVID tới giờ mới ra sinh hoạt cộng đồng.

Việc chung và cũng có tâm tư riêng khi chị em gái có thời gian bên nhau đi dạo, chụp ảnh, tâm sự , nói chuyện đủ thứ. Cũng là dịp cho chị em thân cận nhau hơn.

Các người đàn ông cũng có dịp gặp nhau nói chuyện thời sự thế giơí.

Tôi cũng được làm quen với nhiều bạn của em Út.

Một ngày vui bên hồ.

Cám ơn gia đình em Út.



Wednesday, July 24, 2024

Cuối Tuần

 


Wednesday, 24 July 2024

Cuối Tuần Qua

Cuối tuần qua đi thăm em Út ở Windsor. Tôi ở Hamilton. Khi nào về thăm Windsor là giống như Đàlạt về thăm Mũi Né. Đó là liên tưởng nhớ lại ngày trước gia đình tôi ở Đàlạt. Ngày Tết cả nhà về thăm nhà ông bà ngoại ở Mũi Né. Sau này ông bà đã mất, cậu mợ chăm lo hương khói và thành người trấn giữ truyền thống gia tộc. Cha tôi cũng mất, mẹ cũng đi xa. Chúng tôi ở Đà lạt lại dẫn nhau về nghĩ hè ở ké nhà cậu mợ đi tắm biển và đi theo cậu mợ lanh quanh cả làng Mũi Né.

Chúng tôi đã đi xa quê hương xưa, nơi đây là quê hương hiện tại. Em Út con gái cậu mợ nay có gia đình ở Windsor, chúng tôi gọi vui Windsor thành Mũi Né của mình. Còn Hamilton nơi chúng tôi đang sinh sống là Đà Lạt. Băng qua xa lộ có đoạn đường nào quanh co chúng tôi gọi đó là đèo Prenh hay đèo Rù Rì, đèo Cà Ná...chúng tôi bịa đặt tên cho mấy nơi này để nhớ quê xưa xa vời vợi ...đi tới Phan Thiết rồi về Mũi Né thăm em Út và còn có hai bà chị của em cũng đã đến định cư cùng với em.

Chúng tôi vẫn đi thăm nhau vẫn nhớ như ngày xưa và vẫn mong mãi mãi tình thương họ hàng gia đình luôn đằm thắm, thiết tha như ngày xưa.  Hôm nay lại về thăm em Út và ở ké nhà em. Chúng tôi ở khách sạn rồi chỉ ghé thăm cũng được. Mà cả 3 chị em của em sẽ khó gặp nhau nói chuyện hay sinh hoạt chung. Các cô đều bận làm việc từ sáng tới khuya.  Sáng thứ Bảy đi câu cá. Anh Chồng Út lái ca nô ra hồ rồi cùng nhau đi tới gần giữa hồ mới ngừng lại, mỗi người một cần câu. Xuồng cứ bồng bềnh trôi giữa nước trời bao la. Nghe nói là hồ mà không thấy bờ đâu đó, Hồ Erie là biển hồ mới đúng. Câu cả buổi mà chẳng có con cá nào cắn câu. Cái mồi thứ nhất của tôi bị ăn mất nữa mà khi rút lên không có cá mắc câu. Thay mồi thì con trùn hạ xuống lâu lâu tôi lại thu dây cũng chả có cá mắc mồi. Sao dzậy cà...tui bị cá chê rồi He He he...Cuối cùng con trùn bị ăn mất mà cá chẳng thấy đâu. Chúng tôi thu cần lại và lái vô tiệm ăn trên đảo ăn trưa. Món gà chiên phích bột ăn thật ngon.  Cám ơn vợ chồng em Út cho đi chơi thuyền câu cá thật vui. Về nhà cô chị Út còn nói hôm nay ngày rằm. À thì ra cá đi thiền định trong mấy cái động hết rồi. Ra khơi trời nước mênh mang, bồng bềnh trên con thuyền có gió mát và nói chuyện vui cười là niềm vui rồi, câu cá chỉ là cái cớ tìm vui trên sóng nước.  Một ngày vui quá vui như ngày xưa chạy ra bờ biển gần nhà đi dạo rồi nhảy xuống biển tắm và bơi lội cười đùa.  Cám ơn gia đ̀inh Em Út. 



Friday, July 19, 2024

Tạ Ơn Tất Cả

 


Friday, 19 July 2024

Nhớ

Sao mà lúc này càng già càng nhớ chuyện xưa.

Nhớ cha me ông bà họ hàng bà con xa gần...

Trung tâm nỗi nhớ vẫn là cha mẹ, từ cha mẹ mới có liên hệ ông bà anh em ruột rồi anh em họ của cha mẹ. Tất cả là một dòng họ hay là gia đình lớn bao quanh gia đình nhỏ của cha mẹ. Gia đình lớn này gồm nhiều người đàn ông và đàn bà và con của họ.....Và gia đình thân cận của cha mẹ đều là người tốt. Chính họ đã hỗ trợ chăm lo cho nhau và cùng thương yêu đám trẻ con của họ. Mà tôi là một đứa nhỏ đó. Từ khi còn bé tôi đã được họ hàng anh em của cha mẹ thương yêu bảo bọc. Mà cho tới khi tôi lớn lên cũng được núp bóng của những người lới này. Khi nào tôi có gì đó ...là có người ngay lập tức dang tay giúp ngay. Vì sao phải giúp tôi? Chỉ là do tình thân thương mà làm một cách vô vụ lợi, cái này còn gọi là “ làm phước” và có cách làm phước nào tốt đẹp bằng làm phước từ trong gia đình họ hàng phải không?. Ngoài ra còn tình bạn, bạn củacha mẹ và bạn của các bà con, ngay cả bạn học của tôi cũng giúp đỡ tôi khi cần nữa. Rất nhiều ơn mà tôi nghĩ ra là phải sống thật tốt , phải là người tốt để tạ ơn tất cả những gì tôi đã được nhận.

Chỉ vì muốn tôi được sống tốt và hạnh phúc vui vẻ cho nên mọi người đã quan tâm như vậy.

Mấy ngày nay có một người cứ nói tôi có phước, phải tích phước còn không thì xài hết cái phước này thì ...hoạ tới đó??? Người này cũng hay nói lâu rồi mà tôi chỉ cười. Cho nên có người nhân từ thương yêu tôi thì cũng có người chuyên môn mang rắc rồ́i khó khăn ưu phiền đến cho mình. Nhưng rồi vẫn qua khỏi khó khăn khốn khổ, tôi vẫn đi tới vui vẻ.

Tạ ơn đời,

Mỗi sớm mai thức dậy

Ta vẫn cò một ngày nữa để yêu thương cuộc đời này.

Tạ ơn tất cả

🙏🙏🙏

Miss

Why is it that the older I get, the more I miss the past?

Missing my parents, grandparents, relatives near and far...

The center of nostalgia was still the parents, from the parents there are grandparents, siblings and cousins ​​of the parents. All are a lineage or a large family surrounding the small family of my parents. This large family consists of many men and women and their children.....And the parents' close family are all good people. They helped each other take care of each other and loved their children together. But I am that child. Since I was a child, I have been loved and protected by my parents' relatives and brothers. But until I grew up, I was able to hide in the shadow of these relative people. Whenever I had something... someone immediately reached out to help. Why should they help me? It's just done out of love and selflessness, this is also called "doing merit" and is there any better way to do merit than doing merit from within a family or relative? In addition, there are friendships, friends of parents and friends of relatives, even my classmates helped me when needed. Many of the thanks that I think of I should live well, to be a good person to be grateful for everything I have received.

Just because they wanted me to live well and be happy, everyone cared so much.

A few days ago, someone kept telling me that I have blessings, I have to accumulate blessings, otherwise if I use up all my blessings...that's the disaster will come, what the such idea is this ??? This person has been talking for a long time, but I just laugh. Therefore, there are people who are benevolent and love me, and there are also people who specialize in bringing troubles and troubles to me. But after overcoming difficulties and hardships, I still went on to be happy.

Thank life,

Every morning wake up

We still have one more day to love this life.

Thank you al

******


Thursday, July 18, 2024

Quên

 


Quên...

Càng già mình càng hay quên, quên những chuyện xảy ra trước mắt. Những chuyện trái tai gai mắt những xúc phạm, ưu tư, muộn phiền, bất như ý ...thì quên, mà đang định làm gì đó cũng quên, mới định nói gì đó cũng quên. Trong đầu định sẽ viết những ý tưởng chạy qua đầu...thì ngồi xuống đánh máy cũng quên mất. Hay là đã đánh máy xong cũng quên là phải save lại mới tắt computer. Cho nên những gì đã viết thì hôm sau mở lại đều không còn. Tuần trước còn sử dụng Microsoft Words và tự động save. Sao tự nhiên tự computer đổi chương trình viết lách của tui đi??? Computer của Tui bị điều khiển từ đâu vậy ha??? Thật là sợ a!!! Chắc là tui phải quên cả comuter luôn là tốt nhất. Trước sau gì rồi tất cả sẽ đi vào hư không và lãng quên.

Forget...

The older I get, the more forgetful I become, forgetting things happening before my eyes. Things that are unpleasant or unpleasant, insults, worries, sadness, unsatisfactory things... are forgotten, even when I was about to do something, I forget, when I was about to say something, I also forget what I would like to talk. In my head, I was about to write down the ideas that ran through my brain... but when I sat down to type, I forgot. Or after typing, I forgot to save before turning off the computer. So everything that was written will be gone the next day. Last week I also used Microsoft words and automatically saved. Why did the computer suddenly change my writing program??? Where is my computer being controlled from??? This is so scary!!! It's probably best if I forget about the computer. One day in the future everything will go into nothingness and be forgotten.

July 18, 2024

Wednesday, July 10, 2024

Cắt tóc

 


Cắt tóc
- Em cắt tóc cho anh
Nghe anh chồng ra lệnh “cắt tóc”
Đang bận chuyện gì đó mà nghe vậy là buồn cười. Từ khi nào mà tôi thành thợ cắt tóc vậy cà???
Từ lâu lắm rồi, cái thời bao cấp xa xưa khi tôi còn làm cô giáo. Còn anh Kim làm nhân viên công ty xuất nhập khẩu Đàlạt. Tóc con trai nhỏ hơi dài là tôi cứ lấy cái kéo nhỏ cắt tóc cho con một cách tự nhiên. Hình như anh thấy vậy biểu vợ cắt tóc cho anh luôn. Tôi cũng cắt và nhớ lại tôi chẳng học nghề mà nhớ là ông ngoại tôi là thợ hớt tóc cả đời. Ông cũng chẳng dạy tôi mà khi ông mất bà ngoại có chia gia tài của ông lại cho tôi 2 cái kéo để làm kỷ niệm. Anh tự đưa đầu cho vợ thực tập cắt tóc. Có hôm cúp điện thắp 1 ngọn đèn dầu lù mù tôi không thấy rõ mà anh lại biểu vợ cắt tóc. Tôi cũng cắt. Hôm sau anh đi làm về nói:
- Bạn anh trong công ty nói tóc anh cắt không đều, bên dài bên ngắn.
Vậy là anh ngồi xuống còn tôi lấy kéo ra ngắm hai bên cái mai tiả lại cho đều. Còn xem phiá sau và hai bên...tiả lại chút chút. Sau đó tôi ít cắt cho anh mà anh tự ra tiệm cho người chuyên nghiệp cắt. Tôi nhớ có thời thanh nữ cắt tóc rộn ràng, cắt tóc ráy tai mà họ ngồi bên phải rồi chồm qua người chàng để ráy tai bên trái và ngược lại. Thật sát sao thân mật...còn cắt tóc xong là mát xa xoa bóp bấm huyệt trên đầu dưới cổ xuống vai... nữa. Làm càng nhiều trò thì tiền “boa” càng tăng cao. Tôi không biết anh có tới đó cắt tóc không. Tôi biết chuyện này khi nghe anh rể anh và anh uống bia nhậu và nói chuyện thanh nữ cắt tóc với nhau. Vừa uống dô dô, vừa bô lô ba la nói cười rất hoan hỉ không quan tâm mấy bà vợ gần đó đó.
Nhưng qua bên này anh hay tới nữ cắt tóc là1 bà quá có mở tiệm cắt tóc trong garage gần nhà. Hình như chữ “quá” này phải viết “goá” mới đúng. Công cắt 10 dollars thì anh cho thêm 10 dollars tip, khi tăng gía 15 dollars thì tip cũng tăng theo. Vừa cắt tóc vừa tán chuyện đủ thứ, anh còn về kể cho tôi nghe để cho tôi biết kiết thức của nữ cắt tóc rộng rãi như thế nào.
Tôi nói anh cũng chừng đó tiền tới barber shop cho đàn ông chuyên nghiệp cắt tóc đàn ông. Có người quen anh ở chuà trong gia đình Phật tử đó làm thợ chuyên nghiệp có tiệm đàng hoàng sẽ theo đúng quy định của Public Health về vệ sinh.
Anh nói cắt tóc tiệm mắc tiền. Để tiết kiệm anh tới garage cắt tóc thôi. Tùy anh lựa chọn riêng, tôi cũng khỏi nói thêm vì không cần phải nói vô ích.
Chuyện cắt tóc anh tự lo nhưng cũng có khi anh gọi hẹn không được với garage cắt tóc nên anh hẹn barber shop. Anh thợ cắt tóc vui mừng gặp “bác”, vừa cắt vừa kể chuyện vợ con gia đình cha mẹ, cắt xong lại không lấy tiền, “bác” có nói mấy cũng không nhận tiền công. Bác tới nhà thăm con trai mới sinh tặng quà trả lễ.
Vừa cắt tóc vừa nói chuyên anh anh em em nghe ngọt nào trẻ trung vui tai. Vì nghe tiếng gọi “bác” làm anh trở nên già quá hay vì bác ngại cắt tóc free bác không hẹn tới cắt tiếp. Mà khi nào tóc dài "bác" lại gọi bác vợ nói “cắt tóc”, rồi bác ngồi chờ bác vợ cắt tóc free.
Rồi mấy năm pandemic do COVI lan tràn, tôi lại cắt tóc cho anh ở nhà. Mà tôi thành nô lệ cắt tóc vì cứ 3 tuần hay tóc hơi dài anh ra lệnh “cắt tóc”. Hơ Hơ tôi nghe hai tiếng lệnh “cắt tóc” hôm nay tôi thật thấy buồn cười nói chọc khoáy với anh:
- Hình như cắt tóc cũng phải hẹn ngày giờ như hẹn gặp BS vậy đó. Cắt tóc phải trả tiền và thêm tiền tip nhiều nữa mới đúng ??? phải có như vậy mới có giá trị của thợ cắt và phong tình của khách nữa phải không??? Còn ra lệnh bất cứ lúc nào cũng được cắt thì anh coi thường quá ??? khi gọi phone hẹn thì cũng nói cười lịch sự hihi haha...có rảnh không cho anh hẹn em cắt tóc...còn mua hoa giấu diếm để tặng ngày lễ để nịnh nọt nữa. Mà đưa đầu ra cho người ta cắt có méo thì cũng khen nữa mới là đàn ông hào hoa phong độ chứ. Còn biện hộ “ xấu mặt mới lo chứ xấu đầu mấy tí...” vì vài ngày sau cắt so le xiên xẹo cũng tóc dài ra có thấy khuyết điểm nữa đâu. Đơn giản ra lệnh “cắt tóc” thì là bị coi thường quá xá!!! Đúng là nô lệ cắt tóc rồi nè.
Muà đông cắt tóc trong nhà phải dọn dẹp hút tóc hút buị lau nhà rắc rối. Ngày hè thì ngồi ngoài vườn cắt tóc ngắm hoa nở, cắt xong tóc rơi thì quét ra vườn làm phân bón cho cây thật tiện.
Lúc này cắt tóc còn thêm tỉa lông mày cho đều nữa. Khi cắt thì anh vừa nghe nhạc vừa ngồi lim dim, Có khi ngủ gật tôi phải ghé tai nói nhỏ:
- Thức dậy đừng gật gù ngủ khó cắt tiả lắm, ngồi không yên ổn cái tông đơ điện này lỡ nó tiện nhằm rách da phiền lắm đó nhe.
Khi nào cũng chớp mấy tấm ảnh before and after cho anh xem. Anh ngắm nghiá nói
- Mỗi khi cắt tóc gọn gẻ trẻ ra 5 tuổi, tắm một phát sau khi cắt tóc là thoải mái vui vẻ trẻ thêm 5 năm nữa.
Ui da cắt tóc sung sướng hưởng thụ như vậy nên anh cứ đòi tôi cắt tóc hoài. Một thợ một khách hàng lâu năm.
Thương thân tôi thợ cắt tóc free là bà già ngốc nghếch!!!
Kể chuyện vui thôi, cười xong là hết chuyện, tất cả rồi cũng đi vào hư không.

July 8, 2024






Monday, July 8, 2024

Con trai về thăm

 


Con trai về thăm

Con trai và 2 cháu gái về thăm và giúp dựng cái shed mới lớn hơn cái shed cũ để có chỗ sắp xếp lại những dụng cụ làm vườn, máy cắt cỏ và những thứ linh tinh khác như ghế để ngồi chơi sau vườn.

Các cháu đi theo cha vừa đi chơi và vừa thăm ông bà cô chú, các cháu mới nghĩ hè có road trip với cha.

Nhìn cháu nội 10 tuổi nhỏ xíu. Cháu làm bà nội là tôi liên tưởng tới ngày còn nhỏ.

Ngày xưa còn bé tôi và các em cũng có được cha chở bằng cái xe Jeep Wagon đi khắp nơi. Cha chở đi trong Đàlạt rồi mà cuối tuần còn chở đi tới bờ biển Ninh Chữ tới chuà Trùng Khánh ở lại lạy Phật. Gặp sư ông trú trì chuà là em của bà ngoại. Chúng tôi luôn luôn được sư ông tiếp đón vui vẻ.

Chúng tôi còn được nhiều lần đi Tháp Chàm Phan Rang Nha Trang, Mũi Né. Một lần dừng chân ở bờ biển Cà ná chụp hình và bây giờ còn tấm ảnh cha mẹ bên bờ biển do tôi chụp. Tấm ảnh cha mẹ ngày cưới và tấm ảnh bên bờ biển là ảnh nền cho bia mộ cha mẹ tại California.

Chúng tôi phải tạ ơn mẹ vì các chuyến đi chơi xa thì má tôi cứ ở nhà chăm em bé và trông coi tiệm thuốc, buôn bán chữa bệnh trong lúc chúng tôi đi chơi. Cha chở các con cuối tuần đi tới bờ biển chơi một vòng. Cũng đi xa đó chứ. Từ Đà Lạt băng qua Trại Mát xuống Cầu Đất băng đèo Ngoạn Mục ngoằn ngèo uống khúc quanh co xuống Đơn Dương tới Phan Rang tới Ninh Chữ chơi tắm biển rồi vòng về trong sáng chiều, hay là ở lại tạm trú qua đêm tại chuà Trùng Khánh rồi sáng sớm cha tôi chở chúng tôi ra biển xem mặt trời mọc trước khi cha lái trở về Đàlạt.

Chúng tôi phải tạ ơn mẹ vì các chuyến đi chơi xa thì má tôi cứ ở nhà chăm em bé và trông coi tiệm thuốc, buôn bán chữa bệnh trong lúc chúng tôi đi chơi. Cha chở các con cuối tuần đi tới bờ biển chơi một vòng. Cũng đi xa đó chứ. Từ Đà Lạt băng qua Trại Mát xuống Cầu Đất băng đèo ngoạn Mục xuống Đơn Dương tới Phan Rang tới Ninh Chữ chơi tắm biển rồi vòng về trong sáng chiều, hay là ở lại tạm trú qua đêm tại chuà Trùng Khánh rồi sáng sớm cha tôi chở chúng tôi ra biển xem mặt trời mọc trước khi cha lái trở về Đàlạt. Tất nhiên cha tôi cũng đi theo con đường tương tự để về nhà. Từ Ninh Chữ đến Tháp Chàm là đường đi trên đồng bằng bằng phẳng nhưng sau đó đường leo núi lên tới đỉnh núi Liang biang lại là Đà Lạt. Cha tôi là một người lái xe rất xuất sắc.

Cứ cách ít lâu cha lại chở hết lũ con đi như vậy 1 lần, có khi má tôi cùng đi theo, như vậy tiệm thuốc cũng đóng cửa và má cũng nghĩ ngơi.

Có dịp Tết thì Cha lái xe chở hết gia đình về Mũi Né, cũng ở thăm một hoặc 2 ngày đi viếng mộ ông bà đi chơi quanh làng rồi quay về nhà. Có muà hè 1972 cha chở đi Huế thăm bà nội và gia đình chú thím. Chỉ với chiếc xe cũ kỷ Jeep Wagon cha tôi đã đưa con đi chơi lung tung khắp từ Đà Lạt ra tới Huế, về vùng biển thăm đủ bà con nội ngoại. Cha tạo cho chúng tôi nếp sống gia đình có nối kết thêm bên nội bên ngoại cũng là thân nhân gần với chị em chúng tôi.

Bây giờ cha mẹ đã ra đi nhưng chúng tôi tạ ơn cha mẹ đưa chúng tôi tới nơi sống bình an với cơ hội phát triển mọi mặt cho những thế hệ sau. Tiếp nối truyền thống gia đình là những thăm viếng và kết nối tình cảm lẫn nhau như ngày xưa cha mẹ đã làm.




Saturday, July 6, 2024

Mợ Tôi

 




Mợ Tôi

Mợ là vợ của cậu, cậu là em trai của má tôi, cậu Bốn. Cho nên tôi thành ra cháu của mợ. Bao nhiêu năm qua rồi mỗi người mỗi nơi, cũng ít thư từ qua lại với mợ nhưng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với các con gái của cậu mợ nên vẫn biết tin tức gia đình cậu mợ. Kể ra mới tự nhận mình sao mà hờ hững với mợ quá. Mà khi nào được ở gần mợ thì cũng được mợ thương như con và cả mấy chị em họ chăm sóc đối đãi nồng hậu thân tình một nhà ấm áp. Ôi nước mắt chảy xuôi và tình thương chảy xuống đó mà, con cháu cứ hưởng ân huệ của bề trên!

Nghe mợ muà thu đi thăm con cháu ở tuổi 79 càng phục mợ khoẻ mạnh hơn cháu, mợ không ngại đường xa leo lên máy bay 24 giờ từ Saigon bay tới Toronto đi thăm con và cháu ngoại. Nói tuổi mợ là tôi đoán vì mợ lớn hơn tôi 12 tuổi, mà tôi năm nay 67 cho nên cả mợ và cháu đều lão niên cả rồi. Bốn năm trước khi con gái sinh con, mợ đã qua Cà- na- đa này ở lại cả năm chăm chút đứa cháu nhỏ từ mới sinh cho đến biết đi rồi mới quay về quê hương Mũi Né. Tôi cũng được dịp thăm viếng ở lại với mợ cùng một nhà. Suốt mấy mươi năm qua khi gia đình tôi ở đâu thì cậu mợ cũng luôn có dịp tới thăm viếng gặp gỡ ở lại cùng nhau. Đây là duyên nợ từ vạn kiếp trước có phải không nhỉ??? Cho nên dù có ở đâu và xa xôi cách mấy sông mấy biển mấy lục địa to lớn thì cũng hội ngộ như mợ và tôi.

Nhớ chuyện xưa lúc tôi còn bé, lúc cậu mợ kết hôn không lâu thì có đến nhà ba má tôi ở chơi vài tuần vào mùa hè. Ba má tôi lúc đó cũng còn trẻ đưa nhau tới khu dinh điền mới là Quảng Đức để lập nghiệp. Vùng kinh tế mới mở có nhiều công trình xây dựng nên ba tôi trở thành người thầu xây cất. Ba má mới xin được miếng đất cất nhà mới trong khu dân cư di dân mới tới. Nhà gỗ ba gian xung quanh đất còn trống hoang sơ có thể để làm vườn khá rộng rãi. Cậu mợ cưới nhau ở Buôn Mê Thuộc mà qua Quảng Đức năm đó khoảng năm 1964, sau này ngẫm nghĩ tôi nhận ra là hai người đi hưởng tuần trăng mật lần đầu tiên sau khi cưới ở tỉnh kinh tế mới Quảng Đức, nơi rừng cao nguyên mới được khai phá thành tỉnh lỵ và thị xã Gia Nghiã. Buôn Mê Thuộc hay Quảng Đức những năm đó đều là nơi ít người đèo heo hút gió, nhiều người Thượng Kờ Ho, Ra Đê.....nhiều buôn thượng nhiều nhóm sắc tộc sống theo buôn làng hơn người chủng tộc Kinh.

Tôi nhớ cậu mợ đi xe đò tới vào buổi trưa. Mợ đến nhà năm đó mặc áo dài tím Huế thước tha. Tóc dài ngang lưng đội nón lá xạch túi xách hành lý nhỏ và mợ cười tươi rất xinh đẹp. Mợ lúc chưa lấy chồng là thợ may trong tiệm may áo dài nổi tiếng duy nhất ở phố chính Buôn Mê Thuộc, còn cậu là thầy giáo dạy tiểu học trong buôn Hô. Mợ khéo tay nhanh nhẹn vui vẻ ba má tôi rất thương mợ và khen cậu duyên may có người vợ tốt.

Tôi rất thích mợ vì mợ chỉ cho tôi may áo cho búp bê, mợ chịu khó cùng tôi chơi búp bê và lấy vải vụn mau áo đầm cho búp bê. Tôi rất thích vì may tay thôi mà mợ may rất khéo.

Tôi tìm trong đám hình ảnh mà mình có, không có tấm ảnh nào chụp cậu mợ lúc mới cưới. Chỉ có ảnh cưới con gái con trai thì cậu mợ đứng chung với nhiều người khi hai người đã già già. Như vậy là bị bỏ qua thời gian trẻ trung tươi đẹp của hai người rồi. Cậu lúc đó là nhà nhiếp ảnh nghiệp dư bên cạnh nghề cầm phấn đó chứ. Ôi uổng quá thời gian đã qua xa xôi rồi. Cậu mợ lúc đó trẻ đẹp biết mấy. Mấy năm trước khi gia đình tôi đã định cư ở Bắc Mỹ, chúng tôi không về quê ngoại thăm cậu mà cậu đi nửa vòng trái đất đến thăm và ở lại nhà tôi. Cậu và ông chồng của tôi rất "kết " nhau, hai cậu cháu thường xuyên tâm sự bên vài chung rượu bia. Chuyện đàn ông quan tâm toàn là những sự kiện quốc tế nóng bỏng trên trái đất. Tôi thường chọc ghẹo anh xã mình là sao mà đàn ông nói toàn chuyện xa xôi vạn dặm hay là chuyện trên mây vậy??? mà chuyện trước mắt thì chẳng màng gì cả. Anh nói ngay: "em lo chuyện trong bếp cho anh, biết gì mà nói lộn xộn, để anh với cậu nói chuyện của đàn ông". Cho nên chuyện của tôi là chuyện trong nhà thôi nhé. Mỗi ngày anh xã "lái trâu đi cày" khi chỉ có 2 cậu cháu ở nhà tôi hỏi cậu:

- Hồi đó làm sao mà cậu quen được mợ ?

Cậu ngẫm nghĩ lục lọi trí nhớ rồi mới trả lời

- À Lúc cậu đi dạy cậu ăn cơm tháng thì mợ là thợ may cho tiệm may mà nhớ lại hình như bà chủ tiệm đó còn có dịch vụ nấu cơm tháng cho nên cậu với mấy ông thầy giáo độc thân nữa nhờ ăn cơm tháng mà cậu quen mợ. Mợ nấu ăn rất ngon, tính mợ vui vẻ, cậu thích người hay cười dể thương.

Tôi tự hỏi lúc đó mấy cô thợ may mà còn kiêm làm thợ nấu bếp cho tiệm may nữa. Bà chủ tiệm may kiêm dạy nghề cho con gái này lời quá xá. Khi nào đó tôi phải tâm tình chuyện xưa cho mợ kể lại sao mà mợ ưa cậu là anh thầy giáo này, rồi để anh cầm tay đưa nàng về "dinh" là căn nhà thuê trống rỗng chứ không phải dinh thự xa hoa lộng lẫy của hoàng tử đẹp trai giàu có như chuyện cổ tích...

Tôi nhớ tới lúc cậu mợ có con gái đầu tiên ba má tôi gởi tôi và em trai kế vào suốt mùa hè qua Buôn Mê Thuộc ở với cậu mợ để cậu dạy kèm cho tôi học trước chương trình lớp nhì, còn em trai là lớp tư. Lúc tiểu học năm 1966 khi hai chị em tôi theo học thì lớp 1 gọi là lớp năm, lớp 2 là lớp tư, lớp 3 là lớp 3, lớp 4 là lớp nhì, và lớp 5 là lớp nhứt. Lúc đó mợ mới có em bé mới sinh nên không làm thợ may nữa mà ở nhà chăm sóc chồng con, và tự nhiên còn "mọc ra" thêm 2 đứa cháu của ông chồng nữa. Tôi nhớ năm đó còn có ông bà ngoại ghé thăm cháu bé mới. Cho nên hai chị em tôi còn được gặp và ở lại một đoạn thời gian ngắn với ông bà ngoại. Mà không chỉ ông bà ngoại mà còn gặp cậu Ba là anh kế của cậu ghé thăm.

Hôm cậu đi tới chỗ lấy khai sanh cho em bé cậu dẫn tôi đi theo, cậu cho xem khai sanh rồi cậu giải thích tên em bé là "mây muà thu" cậu nói muà thu cao nguyên bầu trời trong xanh và mây trắng bàng bạc rất đẹp. Nên em bé xinh xắn là cả bầu trời muà thu rất thơ của cậu mợ.

Nhiều năm trôi qua nhiều em bé ra đời là "nước muà thu", "trăng muà thu"....đến em gái Út " cỏ muà thu" thì mợ dành gọi em là "viên ngọc quý màu hồng". Cỏ là "thảo" trong câu thơ "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo" đó là 1 câu trong bài thơ"Hoài Cảm" của Bà Huyện Thanh Quan. Nhưng ở vùng quê hẻo lánh mấy ai hiểu cổ văn thơ thẩn ý nghiã sâu xa thăm thẳm và cao quý như vậy, "cỏ" là cỏ dại là rơm rác đâu có nghiã lý gì. Mợ cũng vùng lên sau bao năm nhân nhượng để có con gái mang tên là viên ngọc đỏ Ruby lấp lánh mà mợ thích. Ngang đó thì thôi mợ không đẻ thêm cô nào nữa. Bốn gái và hai trai cũng nhiều. Vậy là cả đời mợ có được viên hồng ngọc rồi !!!. Còn thực tế hơn nữa là ông chồng thầy giáo có thơ văn thi phú thế nào cũng chưa bao giờ lãng mạng mua nhẫn kim cương và hoa tươi tặng vợ. Cho nên hình như mợ không có chiếc nhẫn cưới vòng tay kim cương hay hồng ngọc nào đeo tay, chỉ có hai bàn tay trống không làm việc thoăn thoắc cả đời. Còn hoa thì tháng nào mợ cũng tự mua hoa vạn thọ, hoa huệ hay hoa sen... cắm lên bàn thờ dâng cúng ông bà cha mẹ "chồng" của mợ, không thấy mợ thờ cha mẹ mình trên bàn thờ này, có lẽ con gái lấy chồng thì thuộc nhà chồng còn anh trai mợ sẽ lo thờ phượng ông bà cha mẹ của mợ. Cậu Mợ cũng làm nhiều của cải xây nhà cao cửa lớn và xe lớn xe nhỏ nhưng hình như chiếc nhẫn để đeo không thiết thực mà sự nhẫn nại và tình thương gia đình và tình nghiã gia tộc là quý giá hơn cả.

Tháng 9 vào thu hoa lá chuyển màu. Sáng nay trong vườn vừa nở đoá hoa màu cam thơm ngát. Người ta hay ví phụ nữ như đoá hồng thơm này. Tôi nghĩ người phụ nữ như mợ tôi phải là viên hồng ngọc hay là viên kim cương quý nhất trên đời này.

Nhìn ảnh mợ ngồi xe lăn cho cô nhân viên phi trường đẩy lên máy bay đi nửa vòng trái đất thăm con cháu. Thương mợ quá. Khi mà ba má tôi rồi cậu Ba và cậu Bốn chồng của mợ đã về sum họp với ông bà ngoại. Mợ còn đây là đại diện cho tất cả tiền bối gia tộc. Cầu ơn trên phù hộ cho mợ luôn khoẻ mạnh vui vẻ với con cháu.

Thương mợ và tạ ơn mợ thương yêu chăm sóc chúng cháu khi còn nhỏ.

Thursday, September 28, 2023

Colors of Autumn

 



Tuesday, November 1, 2022

Sắc Thu
Mỗi ngày đi dạo
Hay nhìn qua cửa sổ
Lá vàng xanh nâu đỏ...
Xao xác bay trong gió
Trời mây gió
Hết nắng lại mưa
Mưa rồi nắng gió
Thổi lá chạy vòng quanh!
💛💛💛
Colors of Autumn
Take a walk every day
Or look out the window
The leaves are yellow, green, brown, red...
Rustling flying in the wind
Sky cloud wind
Out of sun then rain
Rain and then sunshine wind
Blow leaves run around!
All reactions: