Saturday, July 25, 2015

My Sun Flowers


Hoa Hướng Dương

Muà hè này trong vườn có 2 cây hoa hướng dương, nói theo tiếng Việt thông thường là hoa mặt trời. Hai cây mọc sát gốc 1 cây to cao bự gốc, 1 cây nhỏ ốm, mỗi cây cho 1 cái hoa, Cây cao mập cho hoa to.  Cây ốm nở ra 1 hoa nhỏ.  Cả 2 hoa cùng màu vàng.  2 cây mọc sát gốc nhưng hoa thì xoay lưng lại với nhau.  Lúc đầu hoa to của cây cao nở trước hướng về phiá mặt trời mọc buổi sáng.  Cây hoa nhỏ nở hoa muộn mà xoay về hướng ngược lại, là hai cái hoa nở hai hướng đâu lưng lại với nhau.  2 mình tựa vào nhau nhưng nhìn về hai hướng ngược lại.  2 cây hoa này còn đặc biệt hơn là 2 hạt giống trốn trong đất từ mấy cây hoa mà tôi đã trồng năm trước.  Hè năm ngoái tôi mua 3 gói hạt hoa hướng dương 3 màu Đỏ Vàng Nâu.  Gieo hạt trong chậu cho tới khi cây con được 10cm thì đem trồng ra vườn.  Khi ra hoa kết hạt thì ong bay vù vù không dám tới gần.  Khi hạt chín bầy chim và sóc tới mở đại tiệc.  Phần mình đợi hoa tàn dọn dẹp cây lá.  Nhưng có 2 hạt đã trốn trong đất sống sót qua muà thu rồi cả muà đông.  Muà đông năm ngoái dài hơn bình thường và tuyết quá nhiều.  Vậy mà ủ trong đất qua muà xuân tới muà hè bắt đầu nẩy mầm tháng 7 này mới ra bông.  Khi thấy 2 cây con nằm trong luống rau cải.  Nhìn lá cây tôi nhận ra hoa hướng đương.  Mình không trồng mà có 2 cây con.  Tôi cũng không dời chỗ, chỉ vun đất vào gốc.  Kết quả bây giờ có 2 cây hoa với 2 bông hoa to nhỏ tựa vào nhau, đâu lưng lại theo 2 hướng.  Chỉ có 2 hoa nên ong bướm không tới nhiều.  Vậy là mình tới gần chụp ảnh post lên đây.  Không biết sang năm có hạt con nào của 2 cây hoa này tiếp tục trốn trong đất thoát khỏi làm thực phẩm nuôi côn trùng, vượt qua nóng lạnh tuyết sương, vươn lên thành bông hoa hướng dương đẹp rực rỡ để cho đời tiếp tục thưởng thức.  Cái gì cũng tuỳ duyên hợp mà có, vậy thì thưởng thức hoa đẹp hôm nay còn năm sau tuỳ duyên hoa đến.

HMP July 2015



Friday, July 24, 2015

Phynioca Steam Rolls


Bánh Cuốn Phynioca

Lần trước làm bánh xèo Mikimi.  Hôm nay đổi món làm bánh cuốn là trộn 2 cup bột gạo + 2 cup bột năng tapioca +  3½ cup nước + ½ cup nước cốt dừa + 1 muỗng canh dầu thực vật + 1 chút muối.  Nước cốt dừa để cho bánh thơm, không bỏ nước cốt dừa cũng được.  Bánh đổ bằng chảo nonstick hay ceramic không dính với lò nóng vừa phải medium heat.  Bánh đổ mỏng dày tuỳ ý,  nếu cuốn thịt bò nướng thì đổ dày.  Chỉ thoa một lớp dầu cho cái bánh đầu tiên còn sau đó không cần dầu.  Khi tráng bột đậy nắp, bột vành bánh cong lên và trong là bánh chín. Nhanh tay úp chảo ra 1 cái diã thì sẽ có bánh nằm trọn trong diã, bỏ nhân vào cuốn lại ra bánh cuốn.  Nếu nhân bánh là thịt bằm + nấm giống nhân bánh cuốn Việt Nam thì đổ bánh mỏng.  Thay thịt bằng tôm cũng ngon.  Ăn kèm rau xà lách rau thơm cà chua dưa leo.  Bánh này làm nhanh vì chỉ 30 giây là bánh mỏng chín, 45 giây hay 1 phút cho bánh dày như bánh tráng.  Nếu ghiền ăn bánh tráng cuốn rau thịt hay nem nướng thì làm bánh tráng tươi này cuốn ăn xong sẽ muốn làm hoài.  Công thức bột làm bánh cuốn này do Phương Hoàng làm nhiều lần thấy vừa ý, chỉ có hai thứ bột gạo và tapioca dể nhớ nên đặt tên là bánh Phynioca, bánh mỏng thì 1 cup bột pha 1½ cup nước cho bột lỏng hơn, bánh chín nhanh hơn.  Nếu nấu quá lâu bánh khô nức.  Khi làm bánh sẽ có kinh nghiệm và sáng kiến làm ngon hơn theo khẩu vị của riêng mình.  Chuẩn bị rau, nhân cuốn bên trong tốn nhiều thời gian nhưng trộn bột và đổ bánh phải nhanh tay, ăn thì một loáng là xong.  Có vài chị em trong nhà tụm lại cùng làm cùng thưởng thức rất vui và ngon mà lành mạnh.

HMP July 2015




Thursday, July 16, 2015

Bánh Xèo Mukimi


Bánh Xèo Mukimi

Lần trước làm bánh xèo đãi bạn theo công thức bột của mụ Kim chế ra là trộn 2 cup bột gạo + 1 cup bột mì + 1 muỗng canh bột nghệ  2 cái trứng + 3 ½   cup nước + ½ cup nước cốt dừa. Lần này thay đổi thành phần bột.  Không bỏ nước cốt dừa và bột nghệ.  Chỉ trộn 2 cup bột gạo + ½ cup bột mì + 1cup bột đậu xanh + 2 cái trứng + 4 ½  cup nước + lá chives cắt nhỏ.  Bánh đổ bằng chảo nonstick hay ceramic không dính.  Bánh bột gạo chiên nhưng làm xong giống bánh pizza, Nhân bánh, hay ‘top’ là tôm, thịt cắt nhỏ, nấm, ớt ngọt màu xanh đỏ cắt sợi, hành trắng cắt sợi.  Cắt khoanh nhỏ cà chua.  Thịt gà thì luộc rồi xé sợi, còn thịt bacon thì cắt nhỏ và xào cho ra gần hết mỡ. Khi đổ bánh trải tất cả nhân lên chảo nóng xong tráng bột. Đậy nắp vài phút thì mở ra và lửa chỉ medium, bánh sẽ dòn và để nguyên bánh tròn lên diã và bánh trông giống như cái pizza bột gạo chiên. Ăn với xàlách dưa leo rau thơm, nước mắm chua ngọt rất ngon. Bánh chay thì không bỏ thịt. Rau xà lách trồng trong vườn non gọi là baby salad có vị ngọt của rau mới hái và rau húng thơm mùi bạc hà ăn kèm ngon tuyệt. Bánh xèo pizza Mukimi là như vậy đó. 
HMP
 
 
 

Thursday, July 9, 2015

Tâm Sự và Thị Phi


Tâm Sự và Thị Phi

Tôi  có các bà bạn nếu không hẹn gặp gỡ trong mall thì các nàng gọi điện thoại kể lễ tâm sự.  Có người kể chuyện mình, có người khoe thành tích các con cháu.  Có người than thở chuyện chồng con dâu rể cháu...Tất cả là tâm tình chuyện lòng, là trút bầu tâm sự.  Có người lại kể chuyện thiên hạ và chuyện xưa trước khi qua Bắc Mỹ sinh sống.  Những chuyện kể ông này bà kia tôi gọi là chuyện thị phi.  Tâm sự cá nhân có nhiều khi cùng cảnh ngộ.  Các bà bạn Việt Nam cao niên, nhiều người qua tới bên này là một hành trình tái sinh.  Có mấy nàng sinh sống ở Cam pu Chia trước đây, cũng 3,4 đời ông bà cha mẹ sống ở Nông pênh.  Tới khi Kmer Rouge nắm quyền thì tất cả đại gia đình bị chết hết chỉ còn mình sống sót.  Tới nơi xã hội mới mà bóng hình người thân thiết xưa vẫn ám ảnh hoài vì chết vô tội oan uổng.  Tôi nói kể chuyện thật đời mình ra cho nhà văn thật - chứ không phải tôi - viết thành sách lịch sử gia đình cho con cháu biết.  Ai cũng nói: nói làm gì? Tôi nói: nói để tỏ lòng thương nhớ ông bà cha mẹ, nói ra và sau đó sẽ nhẹ nhàng mà quên.  Nói tiếng nói thật của lịch sử để con cháu tránh chiến tranh sau này chỉ đi xây dựng hoà bình thôi.  Con cháu sẽ học bài học vì sao mình tới đây mà trân trọng cuộc sống đang có.   Hay không muốn nói tới chuyện đau thương vì xấu hổ vì khi e ngại người ta nghe bị chà đạp giết chóc hành hạ giày xéo thì nhiều người lại khinh miệt coi thường mình thay vì cảm thông với hiểu và thương như Quan Âm Bồ Tát như Đức Mẹ.  Các bà nhiều khi có lý của các bà.  Tôi có ý khác các chị không nói chuyện đau khổ gì cả chỉ kể lại tên tuổi ông bà cha mẹ như viết gia phả dòng họ cho con cháu sau này dể dàng tra cứu nguồn gốc tổ tiên cũng được, nhất là khi tất cả đã mất hết trong cánh đồng chết mà chỉ còn mình chị sống sót, nếu không nói ra khó tìm lại cội nguồn lịch sử gia đình.  Cũng có điều hay là các bà gốc Việt sanh ra trên đất nước khác mà nói tiếng Việt rõ ràng.  Còn con cháu lớn lên  ở  bắc Mỹ lại nói tiếng Việt không được, thì kể cho người viết lại bằng tiếng Anh.  Mỗi năm có cộng đồng Do Thái kỷ niệm ngày diệt chủng mời người sống sót trong thời thế chiến II kể chuyện và họ rút bài học lịch sử đau thương để rồi cộng đồng đoàn kết tiến lên.  Cũng chuyện tâm sự người nào có con cháu thành công tôi cũng xúi kể ra cho người ta viết sách viết báo cho nhiều người khác học hỏi. Cho cả cộng đồng cùng hãnh diện chung.  Có nhiều người viết sách rất muốn viết về người tỵ nạn.  Tất cả đau thương mà khi vượt qua được là trở thành sự khích lệ hào hùng cho gia đình cho bản thân mình và cả cộng đồng.  Bà nào cũng lắc đầu ngầy ngậy, thôi viết chi cô.  Có lẽ tiếng nói của tôi yếu ớt nhẹ nhàng quá không ai nghe.  Nhưng ai khác mạnh mẽ có tiếng tăm thì các nàng sẽ nghe, vì nói ra chuyện gì có lợi nhiều người, khích lệ người đọc người nghe chuyện vươn lên thì nên nói.  Có bà chuyên kể chuyện xưa liên quan tới mình và các người nổi tiếng hay làm lớn trong chính quyền, các ông nọ bà kia nhà giàu và sống trong nhung luạ đi xe sang trọng...tôi hỏi chị mấy chục năm nay ở đây có gặp lại họ không? Vì tôi biết VN sau 1975 ông lớn thành thằng tù cũng nhiều, mà gia đình sang cả đông đúc tan tác nghèo khổ quá nhiều?  Bà chị cười hè hè chuyện thâm cung bí sử lộn xộn.  Mấy chuyện gọi là xì căn đan này làm giàu cho nhiều tờ báo lắm đó vì nhiều người thích nghe thích đọc chuyện tiền tài tình tù tự tử ...nên khai thác kiếm bộn bạc làm giàu đó giống chuyện tài tử hồ ly wút.   Chị này chuyên nói chuyện thị phi, mà chuyện thay đổi chức tước hay giàu nghèo chỉ là tương đối.  Cũng tuỳ chuyện mà là bài học đáng học trong đời người.  Chỉ là bài học thôi vì hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai.  Kinh nghiệm có nói cũng là bài học cho con cháu trân trọng đời sống mình đang có mà phấn đấu tốt chứ không sống buông thả mất chí hướng tiến lên.  Tâm sự tơ lòng và thị phi nghe xong phải cho tan vào hư không vì không phải chuyện mình, bị nhập tâm là tẩu hoả nhập ma.

HMP

July 2015


Wednesday, July 8, 2015

Biển Xanh


Biển Xanh

Mỗi khi nhìn bức ảnh nào có biển tôi nhớ biển Mũi né.  Nơi có nhà của ông bà ngoại.  Có lẽ do tình thương của ông bà nên quê ngoại trở thành nơi đẹp trong tâm tưởng.  Trước đây quê ngoại là nơi biển vắng, nhiều bờ biển đi hoài không gặp người chỉ có cát  biển cây dừa, cây dứa dại, cây xương rồng, còn nhiều các con còng con ốc gặp ngang đường đi dọc bờ biển.  Quê ngoại lúc đó bị gọi là quê nghèo, làng chài nhỏ.  Người làng biết nhau, chòm xóm nặng nghiã thân tình.  Nghĩ lại thấy lúc đó quê ngoại thật giàu sự êm đềm yên tĩnh.  Sóng nước mênh mang chung quanh, đời sống đơn giản vừa đủ.  Nhà cửa nhỏ nhỏ người ta hoà hợp với thiên nhiên, biển là nguồn sống của cả làng.  Nước biển mặn cũng là nguồn thuốc giúp chữa được nhiều bệnh, cứ bơi lội vận động mỗi ngày cũng khoẻ mạnh hơn.  Ngày nay biển cũng là nguồn sống của làng Mũi Né, nhiều resort sang trọng, nhiều du khách khắp thế giới thăm viếng.  Mũi Né trở nên văn minh tiến bộ hiện đại với tính cách quốc tế.  Ngày xưa cũng văn minh mà văn minh theo cách khác.  Tôi nghĩ ông bà ngoại ở đó từ 1940 đã gởi con ra thi xã đi học tiểu học, gởi lên Đàlạt học trung học và học nghề y tá hay sư phạm ở Saigon.  Bạn và hàng xóm ông bà ngoại thì còn gởi con qua Pháp học đại học.  Người xưa đã văn minh cho con gái con trai của mình đi học, khi ra đi ông bà để lại tài sản có giá trị là sự giáo dục nghề nghiệp cho con cháu.  Theo nếp ông bà đã vạch ra các thế hệ kế tiếp cũng làm vậy.  Các ông bà xưa đã chọn lối sống đơn giản trong vật chất, giàu có về giáo dục và tình nghiã.  Theo tôi đó là nếp sống văn minh xưa đáng trân trọng.  Thời gian vô hạn cứ trôi đời người hữu hạn.  Trời xanh biển xanh trong tầm mắt nhỏ nhoi của mình cũng bao la.  Người xưa nhìn biển cả đặt cho màu xanh là màu hy vọng.  Ông bà xưa cũng đã ra đi nhưng bên cạnh biển ông bà đã nhìn thấy niềm hy vọng lớn lao vô cùng tận của biển xanh và trời xanh.  Niềm hy vọng sẽ tiếp tục sống đời cùng con cháu nhiều thế hệ tương lai.  Nếu không vươn lên tự giáo dục học hỏi và đi tới là mất sự tiếp nối hy vọng và bất hiếu với ông bà cha mẹ.

HMP

July 2015

Phụ Nữ Thất Nghiệp


Phụ Nữ Thất Nghiệp

Không có việc làm hay bị chủ hãng cho nghĩ việc là thất nghiệp.  Có người buồn vì mất việc, có người lại vui.  Vui vì cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra.  Đối với người này thì cơ hội này mất đi là dịp may cho cơ hội khác vươn tới.  Nghề làm cho giỏi thì tạo nghiệp, nghề có thể đổi vì trong đời ai cũng làm nhiều nghề.  Nhưng nghiệp sẽ theo ta suốt đời từ kiếp này sang kiếp sau.  Đổi nghề nghiệp thì làm sao đây? Nghề và nghiệp, khi đang trẻ cố cho có việc là chỉ vì có tiền mới nuôi thân và gia đình.  Chẳng thắc mắc nghề nghiệp hay phân tích xa xôi chi, chỉ xin đựơc việc trong hãng rồi đi làm mỗi ngày cho tới khi già hưu trí luôn.  Nhưng đời sống có xã hội nhiều biến động thay đổi, bất ngờ hãng đóng cửa  hay giảm người làm thì mất việc.  Ở bên xứ Bắc Mỹ này khi mất việc hãng xưởng thì xin trợ cấp thất nghiệp ở Trung Tâm trợ cấp thất nghiệp là Employment Centre - EC, trong khi nhận trợ cấp thì đi xin việc làm mới hay là xin đi học.  Khi mới qua sau khi nghĩ việc tôi xin đi học tiếng Anh.  Muốn nhận tiếp trợ cấp sau thời gian trợ cấp thất nghiệp sắp hết thì gặp nhân viên cuả EC trình bày tôi người nhập cư cần improve English.  Họ tiếp tục trợ cấp cho đi học.  Vậy là hằng ngày sáng sớm các con đi học mẹ cũng tới trường học, cứ hết khoá học này xin tiếp học khoá mới.  EC có liên lạc với trường college cho nên họ biết rõ mình đi học không vắng.  Mà đi học có lương lại vui.  Từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều rồi về nhà lo chuyện gia đình vì lúc đó các con cũng về nhà rồi.  Đi làm thì cũng làm part time, chủ yếu sao cho đủ tiền sinh hoạt mà vẫn có thì giờ coi ngó mấy đứa con.  Bao nhiêu năm qua rồi con lớn ra riêng tự lập, có gia đình.  Con thành tài đi xa người mẹ thành người thất nghiệp. 

Trong xã hội có nhiều nghề có nghề đòi hỏi học nhiều năm nhiều bằng cấp mới làm được, có nghề không đòi hỏi nhiều năm ngồi trong trường lớp.  Nghề nghiệp như một sự phân công trong xã hội, nghề gắn kết cộng đồng luôn liên quan với nhau làm xã hội cùng nhau sống còn và phát triển.  Có những phân biệt nghề phải học nhiều được người ta ca tụng, nghề làm lao động tay chân người ta coi thường.  Nhìn cho kỹ thì có nghề nào mà không dùng động tác tay hay chân phối hợp trí tuệ để thục hiện không?  Có quan điểm cho rằng nghề nào mà hại người hại vật là xấu. Con người dù làm bất cứ nghề gì mà sống dối gian hai mặt lừa đảo là làm xấu bản thân và nghề nghiệp họ đang làm.  Con người làm xấu cái nghề của mình. Chứ nghề tay chân trí óc đều tốt và đáng quý.

Thất nghiệp, nếu nói thất theo tiếng hán Việt là số 7 thì tôi nghĩ một người sống trên đời ai cũng có thể có 7 nghề hay hơn.  Riêng phụ nữ luôn có nhiều hơn 7 nghề.  Chỉ ở trong nhà thôi mà tính thì cũng nhiều nghề rồi.  Người nào không ra ngoài đi làm chỉ chăm sóc chồng con quán xuyến gia đình gọi là bà nội trợ hay nội tướng. Một chức nội tướng này cũng lắm công phu học hỏi mới chu toàn.  Kể từ sáng sớm tới tối mịt người phụ nữ phải thức sớm lo ăn cho cả nhà, nấu bếp là chef.  Nghề nấu bếp là một nghề rất quan trọng, lo cả nhà ăn uống lành mạnh.  Để có sức khoẻ tốt thì phải ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn vào thức gì mà hệ miễn nhiễm luôn cao để đề kháng bệnh, phải ngon miệng mà dọn ra bàn là trên diã những món đẹp mắt, thực phẩm tươi và như vậy phải nấu nhanh và đủ phương thức nướng xào chiên luộc... mới được.  Ngày ăn 3 lần nên món ăn chọn lọc khác nhau cho cả ngày.  Nghề chef quả quá công phu.  Dọn dẹp sau khi nấu trong bếp, vì bày ra thì phải dọn, rửa chén bát dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ là nghề phu quét dọn rác và chưa kể trang hoàng các phòng trong nhà cửa cho đẹp và mỹ thuật là nghề trang trí nội thất.  Trang trí nhà cửa còn có cái vườn xung quanh nhà, sân cỏ và trồng hoa cũng có thêm nghề làm vườn.  Khi nào đi chơi ở khách sạn mới thấy có một nghề chuyên dọn phòng ngủ thôi, mà sáng sớm dậy phải dọn trải giường thôi là nghề bồi phòng rồi.  Con đi học phải đưa đi đón về và tự mình di chuyển thì phải lái xe, lái xe máy hai bánh hay lái xe hơi thì cũng phải có bằng và như vậy là có nghề tài xế.  Nghề tài xế quá cần vì còn đi chợ đi mua sắm đi chơi... mà quan trọng là ra đường làm việc tự nuôi thân và kiếm tiền trang trải sinh hoạt gia đình.  Trong việc chăm sóc gia đình thì có khi chồng con và bản thân cảm cúm theo thời tiết thay đổi, cha mẹ già con thơ nhiều khi yếu ớt hay đau ốm.  Như vậy người phụ nữ phải là cô bảo mẫu, cô y tá hay là bác sĩ của gia đình mình.  Mỗi ngày con đi học về còn kèm trẻ xem bài tập homework làm xong chưa, giải thích khó khăn giúp con học là cô giáo kèm trẻ tại gia.  Còn chăm sóc bề ngoài của mình và chồng con thì phải mặc áo quần đàng hoàng, nếu con gái có thích fashion thì cũng công phu vì phải tự may sữa áo quần cho vừa đẹp, khi đó bà nột trợ thành thợ may thợ vá sữa áo quần cho cả nhà.  Sơ sơ tính ra mới có 7 nghề là đầu bếp, dọn dẹp bồi phòng, thợ may, việc làm chuyên môn hay công nhân hãng xưởng, cô giáo kèm trẻ, y tá hay bác sĩ mom, thợ làm vườn.....  Nếu tính mỗi việc là một nghề thì phụ nữ khi nào cũng có nhiều hơn 7 nghề.  Bên cạnh 7 nghề kể ra đó còn nhiều nghề không tính không kể tên và không lương, toàn tự nguyện để có mái gia đình vui vẻ ấm cúng.  Để có chồng con cháu thành công thì phụ nữ ngoài tài tự hoà hợp nhiều nghề tay chân trí tuệ này còn tu tập công phu.  Thân miệng ý thanh tịnh thân tâm trong sáng tạo phước đức mà hằng ngày hoạt đông nghề nào cũng thể hiện hạnh bồ tát này.  Phần tu tập từ bi hỷ xả là âm đức còn sẽ nở hoa  hoài nhiều năm sau khi người phụ nữ đã ra khỏi trần gian.  Khi trẻ người nam tung hoành bốn phương tám hướng lo sự nghiệp xa xôi.  Người phụ nữ như vậy không chỉ tung hoành trong vòng không gian nhỏ bé chung quanh nội thất và nội tâm mà còn trong xã hội nữa.  Khi lớn tuổi con cháu bay xa, bị mất gần hết 7 nghề nhưng lại có thời gian học nghề mới.  Khởi động yoga tai chi hành thiền tụng kinh gõ mõ, học theo hạnh Quán Âm...vừa có đức mà học hoài không hết.  Có nghề nữa là làm lữ khách lang thang từ nhà người con này sang nhà con khác.  Vừa đóng cánh cửa nhà đứa con này thì cánh cổng nhà đứa khác mở rộng chào đón mình tới.  Như vậy có dịp đi viếng các thành phố mà thăm con cháu cho thoả nhớ thương nữa.  Cả đời người đi hoài tới sẽ có những chân trời mới cho mình tới. Như vậy thì làm sao mà thất nghiệp với ý nghiã là không có việc gì làm được, chỉ có tính chữ thất là 7 và người phụ nữ như bản thân mình luôn có nhiều hơn 7 nghề hoài cho hết đời. Có nghề nghiệp chân chính, trau dồi nghề cho giỏi và tâm từ bi bác ái là nghiệp cũng được nhiều tốt đẹp, sẽ được nghiệp lành cho tương lai chứ không có nghiệp chướng.  Mà có những nghề thực hành hoài vẫn chưa tới nơi tới chốn, chưa đạt ngộ “đạo làm người phụ nữ”.  

HMP 

29 May 2015  
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thursday, July 2, 2015

Bánh Bao - Pheonix Buns


Pheonix Buns

Nấu nướng và thưởng thức là hai chuyện khác nhau.  Nấu thì đứng lâu, di chuyển trong bếp nóng và tốn nhiều thì giờ chuẩn bị cắt gọt, rửa, ướp các loại rau quả và thịt.  Làm bánh còn thêm pha bột, nhồi bột và ủ bột.  Ăn thì chỉ một phút là xong, 1 cái bánh nhỏ có khi chì 30 giây cũng xong.  Bánh bao là một loại ‘ steam bun’ ăn điểm tâm ngon ai cũng thích ăn,  ăn sáng ăn trưa cũng được.  Đi làm mang theo ăn trưa rất tiện lợi.  Tôi nhớ lúc đi học sư phạm saigon, mấy năm 1976 hằng tháng được mua bột mì với ít gạo tiêu chuẩn sinh viên, lúc đó là bột mì Canada viện trợ.  Chúng tôi hơn gần 20 đứa con gái ở trọ ngay căn nhà  2 tầng mặt tiền đường Trần Bình Trọng.  Chỉ 10 phút đi bộ tới trường ĐHSP.  Bửa trưa ăn tập thể ngay nhà ăn lúc đó gọi là căng tin của trường, còn chiều thì có khi tự nấu.  Bột mì đem nhồi nướng bánh mì ăn sáng hay ngày cuối tuần nghĩ học làm bánh bao, bánh bông lan.  Một cô trong nhóm có quen người bạn mà gia đình có lò bánh mì, người đó cho cô một cục bột cái.  Mà lúc đó phải dấu diếm vì chủ lò bánh dấu bí quyết và công thức ủ bột cái là một bí mật.  Mất cục bột cái là xui và buôn bán thì không thích xui nên bột cái quý lắm.  Không biết người bạn cùng lớp thương mến cô bạn xinh đẹp này tới đâu mà bất kể hên xui của nhà lò bánh mì dám dấu cục bột cái tới lớp cho bạn.   Cô đem cục bột cái về chia cho mỗi đứa một miếng.  Người nào cũng lấy bột cái nhồi với bột mì ủ qua đêm là sáng hôm sau nướng là có cái bánh mì nướng phồng to thơm phức.  Dĩ nhiên phải cất lại một miếng bột làm bột cái tiếp cho lần sau.  Tối nào cả đám cũng vừa học, vừa đọc sách vừa nhồi bột, càng nhồi lâu càng có bánh nở to, nhồi đổ mồ hôi như thợ làm bánh mì mới ra được bánh ngon.  Trước kia ở Saigon đâu có nghĩ là có ngày mình tới ở xứ Cà na da.   Nay thì bột mì do Canada sản xuất có sẵn, bột cái làm sao đây, tôi liền tra google, tìm ba bốn công thức, thôi làm theo cách đơn giản.  Bột mì  2 cup. 2/3 cup nước ấm ấm  pha với 1 muỗng nhỏ đường và ¼ muỗng nhỏ yeast.  Trộn chung bột nước có đường và yeast.  Ủ nửa ngày trong nhiệt độ bình thường cục bột nổi gấp 3 lần.  Vậy là mình cũng tự làm bột cái được rồi mà chưa nhồi tới đổ mồ hôi là có bột cái.   Sau đó cũng trộn 2 cup bột mì với 80 gr đường, 1 chút muối, 2/3 cup nước, 1 teaspoon bột nổi, 1 tablespoon dầu thực vật.  Cả hai chỗ bột trộn chung nhồi mịn ủ 2 giờ.  Nhân thì lấy giò sống đã làm sẵn thêm fungus là 1 loại rong biển màu trắng ăn dòn dòn thay cho nấm tai mèo, hành, trứng, đậu hạt.  Cán bột thành miếng tròn nhỏ làm áo và bọc nhân lại rồi hấp 15 phút.  Khi hấp quên bỏ chút dấm vào nước nên bánh hơi vàng.  Ông chồng và ông con sáng dậy có bánh bao điểm tâm no bụng đi làm. Bánh bao của Phương Hoàng làm, Phương thêm dấu nặng thành Phượng Hoàng cho nên đặt tên là bánh bao Pheonix - Pheonix Buns cho nó phù hợp với dân ngọn Cà na diên.  Nói là dân ngọn Canada vì gốc thì muôn thuở vẫn là dân Việt Nam.

HMP June 30, 2015