Ơn Đức Sinh Thành
Ngày Vu Lan sắp
tới, nhiều người tới chuà tụng kinh cầu nguyện. Tôi cầu nguyện tạ ơn cha mẹ mỗi ngày
tại nhà trước bàn thờ Phật và bàn thờ cha mẹ. Nhớ cha mẹ mình tôi nhớ lại đời sống nghề
nghiệp của hai đấng sinh thành. Tôi
luôn tự nhủ phải sống ra sao để không bất hiếu với cha mẹ.
Ai cũng nghĩ đơn
giản nghề nghiệp là việc làm để sinh sống. Nghề hay đi đôi với nghiệp. Nghề cũng làm mình tạo nghiệp, tuỳ
nghề mà có nghiệp dữ hay nghiệp lành. Nghiệp đôi khi do mình tạo ra
hay do người khác tới tặng cho mình tuỳ hoàn cảnh. Con cái thường theo nghề nghiệp của cha
mẹ gọi là nối nghiệp. Anh chị em
chúng tôi chẵng ai nối nghiệp cha
mẹ. Tôi rất muốn nối nghiệp buôn
bán của cha mẹ mình, cha mẹ tôi thì chỉ muốn con làm người trí thức
hơn là người buôn bán. Hai người
một lòng thúc đẩy con đi học. Khi
còn trẻ ba tôi thích làm kiến trúc sư, nhưng ông đã bỏ học sớm ra
đời đi làm công kiếm sống, ông làm công và học theo anh trai của ông
là bác Cả. Sau đó ông hùn hạp với
anh Hai mua xe tải ông làm tài xế chở hàng rau cải đường dài từ Đà
Lạt tới miền trung. Khi ông kết hôn
với má tôi ở Đà Lạt ông vẫn tiếp tục chạy xe hàng, xe khách. Trong
khi đó má tôi lo làm việc của bà là y tá trong bệnh viện và ngoài
giờ trong sở bà tự làm thêm do nhu cầu những người chung quanh cần
bà. Người ta cần có y tá tới nhà
chăm sóc và nhiều phụ nữ sanh con tại nhà. Cho nên bà bận rộn quanh năm. Hai người gặp nhau kết hôn ở Đà Lạt
rồi dọn về làng Truồi cất nhà trên đất hương hoả của ông bà nội. Nay chỗ căn nhà tranh của hai người sát
bên chợ Hôm là căn nhà nhỏ thờ ông bà nội và anh em con cháu gọi là
nhà thờ nhánh họ Hoàng. Cả hai cha
mẹ cùng làm việc hai nghề cho tới khi có 3 đứa con cha tôi quyết định
dọn nhà trở lại Đàlạt. Được thời
gian ngắn thì cả hai gia đình bác Cả và cha mẹ tôi lên vùng dinh điền
Quảng Đức làm ăn. Vùng kinh tế mới
được cấp đất cất nhà và hai người mở tiệm thuốc tây duy nhất ngay
thị xã Gia Nghiã. Má tôi vừa buôn
bán vừa chăm con vừa làm thêm nếu có ai yêu cầu bà cũng đỡ đẻ hay
chích thuốc. Tiệm thuốc đầu tiên
của cha mẹ nhỏ bé và mở ngay căn phòng trước nhà. Sau đó dời tới khu buôn bán là khu chợ
trung tâm thị xã Gia Nghiã cho dể phát triển làm ăn. Ba má cũng có mối quan hệ giao tiếp
thân tình với mọi giới thương gia và công chức ở Quảng Đức. Vài người bà con như dì tôi và các cô
bạn của dì lên làm thư ký toà hành chánh và các công sở ở thị xã.
Mỗi lần Tết tới là nhà ba má đón tiếp tỉnh trưởng, trưởng ty các
cấp vui vẻ. Các dì làm bánh mứt
đãi tiệc bạn bè công nhân viên chức sang trọng và họ vui vẻ ân
cần.....đủ thứ tốt đẹp lịch sự.
Các dì cũng lập gia đình và cha mẹ tôi là hai anh chị Hai uy
tín giúp đỡ chăm sóc mọi người. Công
việc làm ăn của cha mẹ dường như đang lên phơi phới nhưng cũng không
phải là dể dàng thuận lợi. Khi hai
người có tiệm thuốc uy tín và ổn định và cha tôi đang có nhiều công
trình xây dựng thu nhập khá thì đột ngột người ta tới bắt cả hai anh
em. Ông và bác Cả bị bỏ tù vì lý
do hai người bị nghi ngờ là Việt Cộng, chính quyền mở chiến dịch bắt bọn kinh
tài của Việt Cộng hay là Việt Cộng nằm vùng. Đó là năm 1968
sau khi ăn Tết Mậu Thân, năm đó Tết ở Quảng Đức có pháo kích chứ
không có giao tranh trong thành phố như các nơi khác, và đêm nào nghe
tiếng nổ gần nhà ba má tôi dẫn con xuống ngũ hầm. Tôi đi học ở Đàlạt nên sau khi cả tháng
ở nhà ăn Tết xong ba tôi gởi tôi cho một người bạn công chức dẫn tôi
theo máy bay quân sự về Đà lạt đi học lại. Sau đó cả mấy tháng dài không thấy ba
ghé qua Đàlạt thì nghe tin ông ở tù.
Má tôi chạy về Saigon tìm người anh họ của ba là bác NVC, ông
là thiếu tướng và làm trong bộ tổng tham mưu xin giúp đỡ. Sau đó tôi có đọc bài trong mục tiếng
nói người dân hay là mục người đân khiếu nại kêu oan gì đó trong tờ
báo một chữ trong tên mà tôi nhớ là chữ Luận, tên là Ngôn Luận hay
Công Luận. Tựa đề dài có 4 chữ mà
tôi nhớ là “ Chụp mũ cộng sản...” mấy chục năm rồi tôi không nhớ rõ
nội dung bài báo. Nhưng anh em họ hàng
cuả ba má tôi đã dùng báo chí và ảnh hưởng của họ can thiệp. Bên ba có bác là anh họ của ba, bên má
có em má là cậu Ba là sĩ quan ban tham mưu trong chiến dịch Phượng
Hoàng. Ba và bác từ nhà tù Quảng
Đức chuyển qua Ban Mê Thuộc rồi sau một thời gian ra toà án quân sự ở
Nha Trang. Hai người trắng án về
tội “phản nghịch”, tức là hai người không có tội gì cả. May mắn hai người vẫn còn sống sau mấy
lần di chuyển nhà tù Quảng Đức tới Nha Trang. Ba tôi có tấm ảnh kỷ niệm nghề kiến
trúc là ông đã thiết kế mô hình khu làng kiểu mẫu khi ông ở trong
quân lao Nha Trang. Khi về nhà thì
năm đó là khoảng cuối 1969 hay đầu năm 70, ba và bác cũng ở tù gần 2
năm. Má tôi nói nếu không trắng án
sẽ bị đưa đi an trí ở Côn đảo vài năm, an trí là ở tù tiếp. Sau biến cố đó tôi mới biết thêm bà con
của ba làm chức vụ cao và họ hàng đùm bọc nhau ra sao khi hoạn nạn. Cũng sau biến cố đó ba tôi và bác bỏ
tất cả nhà cửa vườn tược đã xây dựng ở Quảng Đức dọn về lại
Đàlạt. Ba má tôi mở lại tiệm
thuốc tây ở Trại Mát từ 1970. Tới
1976 thì bị trận đánh tư sản mại bản tịch thu tài sản. Tránh được đi kinh tế mới mà kinh tế
mới sau này khác với khu kinh tế mới gọi là khu dinh điền Quảng Đức
mà gia đình tôi đã từng ở. Những
khó khăn muôn vàn đổ dồn sau mấy trận do người có quyền bính gọi là nhà cầm quyền dùng
quyền của họ cai trị hay là quyền hành trấn áp người dân. Ba má
tôi từ tay trắng rồi từ từ làm lụng bằng tài lực của mình tiến lên
tiểu thương gia hay sau tháng 4 năm 1975 còn được gọi là thành phần
tiểu tư sản. Rồi từ tiểu tư sản
thành vô sản theo chính sách chuyên chính vô sản để tạo xã hội bình
đẳng theo con đường chủ nghĩa xã hội.
Ba má tôi khi là tiểu thương gia thì con học ở Đà Lạt nên phải ở Đà Lạt mà buôn
bán ở Trại mát. Hai người mỗi
ngày thường tự lái xe đi từ Đàlạt tới Trại mát làm ăn bằng chiếc
Jeep. Sau trận đánh tư sản hai người
thành nông dân đi xe đạp nuôi heo làm vườn.
Má tôi hết làm chủ tiệm thuốc Tây thành nhân viên bán sách cho
quốc doanh một thời gian vài năm.
Được thời gian thì nghĩ làm, có lẽ nhờ má làm nhân viên nhà
nước mà cả nhà khỏi đi vô rừng sâu núi thẳm làm kinh tế mới theo
chính sách mới. Sau thời gian vài
năm ba má bán nhà còn vườn thì tập đoàn quản lý. Hai ông bà đi về miền Tây làm chủ ghe
chở hàng từ Saigon xuống lục tỉnh và sau đó là chiếc ghe bầu nhỏ
đã chở đám con ra khơi vào ngày sinh nhật lãnh tụ tháng 5 năm 1983 qua
tây phương luôn. Chuyến đi liều lĩnh
nhiều phần về thăm long vương hay tới Tây phương cực lạc đã may mắn
chỉ qua tới Mã lai, sau đó được định cư cõi tây phương bắc Mỹ là Canada.
Người đi trước tới bờ bến mới bảo lãnh người trong gia đình đi
theo. Tôi là người được mấy người
em bảo lãnh sum họp gia đình 1991. Trên
quê hương mới học theo những người tới trước. Đi làm liền trong hãng
rồi tôi đi học lại tiếng Anh và cố gắng học nghề trước khi làm
việc. Chắc chắn làm nghề ở nơi đây
thì nghiệp là do mình tạo chứ không do người khác tạo ra như ba
tôi. Ông đã bị người ta mang nghiệp
dữ tới chụp cho cái mũ gì đó “là phản nghịch” từ chính quyền
trước 1975. Sau đó nước nhà thống
nhất hoà bình tưởng yên thân làm ăn nuôi con ngờ đâu lại được
đội mũ mới là nhà “tư sản
mại bản” lý do để nhà nước kiểm kê tịch thu tài sản. Ba má luôn tay trắng làm lại từ đầu,
tôi thương ba má sao mà bị đưa tới cho nghiệp nặng dữ dội trong khi
chỉ là người làm ăn mua bán lương thiện.
Kinh nghiệm xương máu nước mắt trong đời cha mẹ tới đời con dể
gì quên. Vì bài học đó mà cha mẹ hy
vọng các con thoát mọi thống khổ khốn khó như mình nên cha mẹ đã
đẩy con cháu tới bờ bến mới và mong ước chúng tôi đến bờ bến mới vùng
đất lành thiện để có cơ hội vươn lên.
Chúng tôi sẽ cố gắng vươn lên như kỳ vọng của cha mẹ. Tương lai nhiều thế hệ sau với nghề
lương thiện trong vùng đất lành sẽ chỉ tạo nghiệp lành và nhận quả
lành mà thôi. Tất cả quá khứ rồi
cũng chỉ là bài học đi vào hư không.
Ba má giờ đây đã yên nghĩ bình an bên nhau trên vùng đất mới.
Muà Vu Lan Báo
Hiếu 2015. Muôn vàn thương kính ba
má vì con cháu mà trăm bề lao khổ cực nhọc từ trẻ tới hết đời.
HoàngMỹPhương
Canada August 2015
No comments:
Post a Comment