Friday, May 29, 2015

Ơn Sâu Nghiã Nặng


Ơn Sâu Nghiã Nặng.

Ai lớn lên ở Đà Lạt, học lịch sử mở mang xây dựng thành phố cũng biết Đà Lạt là nơi người dân di cư tới từ khắp các tỉnh khác. Người dân tộc sống ở đó lâu đời cứ lui dần vào sâu trong rừng núi khi người Pháp tới xây dựng thành phố mới và người Kinh tiếp tục tới định cư làm ăn.  Khi tôi lớn lên thì thành phố đã phát triển rất đẹp với nhiều công trình nhà cửa dinh thự theo phong cách Âu châu.  Người Đà Lạt cũng ảnh hưởng phong cách lịch sự cộng thêm sự hiền hoà chân chất chịu khó, khí hậu cũng ôn hoà mát mẻ ai tới cũng thích.  Cha mẹ tôi cũng di cư tới Đà Lạt trong thập niên 1940.  Hai người đã mê Đà Lạt không quay về quê cũ mà cùng nhau lập nghiệp ở đó.  Chúng tôi đi đâu cũng nhớ quay về Đà Lạt.  Nhưng rồi lại phải di cư xa Đà Lạt. Tháng 10 năm 1988 tôi nộp hồ sơ xin di cư sum họp gia đình đã ở Hamilton.  Chúng tôi hai người công nhân viên chẳng có tài sản tiền bạc mà nghe nói tốn kém cũng sợ.  Nhưng rồi cứ nộp đại, lệ phí nộp đơn chẳng có nhiều và hồ sơ cứ tuần tự đi tới các cơ quan cao hơn.  Chúng tôi nhận thư thông báo mỗi khi hồ sơ đi tới đâu, cũng như nhận được giấy cho phép xuất cảnh và hộ chiếu.  Phiá VN thì không trở ngại nhưng tới gần cuối thì nhận thư từ chối từ cơ quan di trú Canada.  Đó là khoảng đầu năm 1990,  Nhận thư từ chối thì coi như hết hy vọng sum họp gia đình.  Suốt mấy đêm không ngủ được chẳng biết làm gì và chuyện gặp lại sum họp cả gia đình coi như không còn hy vọng.  Hôm đó về Saigon tôi có đem theo lá thư và nói câu chuyện từ chối này với hai người bạn cuả cha mẹ tôi. Chị là dược sĩ chủ tiệm thuốc tây Long Vân góc ngã ba chuà và Phan Đình Phùng.  Nhà cha mẹ tôi góc chuà  Linh Sơn phía đối diện nên là hàng xóm.  Hàng xóm từ đời cha mẹ sang đời con.  Khi anh chị về Saigon ở thì có gặp lại cha mẹ tôi.  Sau khi má tôi đi sum họp với các em thì tôi còn lại một mình, mỗi khi có việc về Saigòn hay đi đâu tôi có đến chơi ở lại, nghĩ lại cũng làm phiền hai anh chị, nhưng lúc đó thì không có ba má và anh chị em ruột ở gần nên “bán anh em xa mua láng giềng gần” kết nghiã bà con.  Lúc nào hai anh chị cũng thương mến đón tiếp nên khi nào có dịp tôi đều ghé nhà anh chị.  Có chuyện gì cũng tâm sự, chị và tôi hay nói chuyện với nhau nhưng anh thì im lặng nghe chúng tôi nói qua nói lại kể chuyện mà không bao giờ bình luận gì.  Hôm đó về Saigon nhận quà của má tôi gởi cho, tôi ghé ăn trưa cùng anh chị và cho xem lá thư từ chối.  Anh chăm chú đọc cũng im lặng chẳng nói gì.  Hai tuần sau nhận điện tín của anh chị gọi tôi về gặp anh chị gấp.  Lần này anh không im lặng mà anh nói là anh có người bạn tên TT bạn học chung trường Kỹ Sư Phú Thọ.  Chị kể hai anh cùng ra trường cùng vào quân trường huấn luyện quân sự, cùng biệt phái làm việc dân sự như nhau.  Tên 2 anh đều bắt đầu vần T anh là LT làm cho sở Điện Lực , còn anh TT làm cho Đắc Lộ.  Mới đây 2 bạn học cũ hội ngộ thì người bạn Đắc Lộ này kể chuyện có quen người làm tại lãnh sự quán Canada. Câu chuyện cơ duyên quen biết giữa anh TT cũng là câu chuyện đặc biệt.   Anh TT khi làm việc cho Đắc Lộ thì có làm việc cho một Linh mục, tới sau tháng 4/1975 cha không được ở Saigon nữa vì cha là người ngoại quốc.  Cha chuyển tới nước khác cũng phụng sự làm việc giúp người.  Cha quen người lãnh sự quán và khi người này qua Saigon làm việc thì cha nhờ đem quà của cha cho anh chị TT, quà là vài cái áo thun hay vài chục đô la. Tôi nghĩ tình thương của cha gói gém trong những món quà đó lại lớn gấp bội.  Người trao quà cũng thương mến hai anh chị, nên khi qua lại Saigon ông trở lại ghé thăm và nhờ hai anh chị hướng dẫn khám phá phong tục tập quán đẹp của ViệtNam.  Hai anh chị LT bàn với tôi hãy copy một bộ hồ sơ để anh nhờ bạn anh là TT nói với người lãnh sự quán này xem có cách nào xem xét lại hồ sơ định cư giúp cho gia đình tôi.  Ông lãnh sự 3 tháng mới qua Saigon một lần, hy vọng chờ lần kế tiếp khi ông qua làm việc sẽ gặp anh chị TT.  Hy vọng thôi vì chuyện ông có đến thăm anh chị TT là do ông và tuỳ duyên.  Chúng tôi cũng nhờ duyên lành may mắn và nhờ lời nói khéo của các anh chị, lãnh sự quán đã lục lại hồ sơ và gởi thư hẹn chúng tôi đến phỏng vấn.  Đó là khoảng muà hè năm 1990.  Trong bộ hồ sơ tôi photo các bài báo địa phương Hamilton nói về thành tích học tập giỏi và công việc của các em tôi.  Khi đi phỏng vấn tôi đem theo hình ảnh toàn bộ gia đình đông đúc đang chờ đón chúng tôi sum họp, và thêm các giấy tờ công việc sẽ làm khi tới nơi.  Sau khi chào hỏi nói chuyện mấy nhân viên sứ quán kết luận chúng tôi là người thành thật những gì chúng tôi nói và hồ sơ đều rõ ràng trung thực, đồng ý cho chúng tôi di cư qua xứ lạnh này.  Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi đã quyết định thay đổi đời sống gia đình tôi.  Sau đó chúng tôi tiếp tục thủ tục khám sức khoẻ và chích ngừa rồi lên máy bay ngày 4 tháng 2 năm 1991.  Chúng tôi tới phi trường Pearson ở Toronto buổi chiều muà đông lạnh giá sau khi quá cảnh qua Thái Lan và Hoà Lan.  Ngày 4 lên máy bay tại Phi  trường Tân Sơn Nhất, tới phi trường Pearson Toronto ngày 5.  Lần đầu tiên cảm nhận được sự vận hành của trái đất từ phương đông sang phương tây.  Lần đầu tiên các con tôi đi máy bay một vòng nửa quả đất với hãng máy bay quốc tế KLM của Dutch.  Hôm tới nơi là ngày muà đông tuyết rơi rơi, vui mừng tới nơi sum họp cùng má tôi và anh chị em, sau 3 chuyến bay ai cũng lân lân trên mây nên khi bước trên đất mà cứ như đi bồng bềnh trên không trung lạ lùng nào đâu chẳng cảm thấy lạnh lẽo.  Mấy năm sau tôi lại được hội ngộ lại anh chị kỹ sư dược sĩ hàng xóm ở Cali, hai anh chị vui mừng khi cùng nhau gặp lại ở bắc Mỹ, tôi vẫn giữ lời cám ơn anh chị trong tâm chưa nói hết ra, năm nay xin qua facebook gởi lời tạ ơn các anh chị.  Qua đến nơi thời gian sau mới biết em tôi đang đi học đâu có tiền đóng trước mua vé máy bay một lần cho 5 người.  Một gia đình người bạn gốc Do Thái ở Oakville dùng credit line của ông bà mua vé dùm.  Trước đó thì IOM cho vay bằng cách mua vé cho người di cư, qua khi tới nơi thì trả lại, tới lúc chúng tôi ra đi người ta không cho ứng tiền trước để mua vé máy bay nữa.  Chúng tôi đi làm ngay sau khi tới định cư được vài tuần và xin thanh toán lại khoảng tiền này cả mấy năm mới hết, tiền thì trả lại được nhưng tình nghiã thì không sao nói hết được, lời tạ ơn còn mãi trong lòng.  Sau đó gặp thêm người bạn gốc Đức.  Người này đọc bài báo địa phương nói về mấy người em rồi sau đó tìm tới thăm và khi em trai tôi đi làm hồ sơ bảo lãnh thì sở di trú không chấp nhận vì lí do sinh viên trắng tay chỉ có ‘student loan’ không có đủ tài chánh tự sống làm sao bảo bọc người mới tới.  Người bạn Đức này nhận lời bảo lãnh về tài chánh giúp, nhờ lời bảo đảm này mà giấy bảo lãnh được chấp nhận.  Nhiều năm sau gia đình tôi vẫn được người bạn Đức này ghé thăm, có cám ơn hoài cũng không đáp lại hết tình thương ông dành cho gia đình chúng tôi.  Nhận tờ giấy vào muà hè, lúc đó văn phòng xuất nhập cảnh của địa phương ngưng hoạt động. Tới ngày đầu tháng 10 mở cửa lại tôi đem hồ sơ đi nộp.  Như vậy cũng hơn 2 năm làm giấy tờ.  Nhìn lại mình đã được rất nhiều phước duyên may mắn, nhiều quý nhân phò trợ.  Mãi hoài xin tạ ơn gia đình tạ ơn cha mẹ, tạ ơn các người em quý báu, và tất cả những người bạn trân quý đã giúp đỡ chăm lo cho gia đình mình trên bước đường di cư và sinh sống suốt bao năm qua.  Năm nào cũng xuân hạ thu đông xoay vần, muà đông thì vẫn lạnh và tuyết trắng vẫn mãi mãi trắng.  Đất lạnh tình ấm hôm nay ôn lại kỷ niệm ân tình người di cư và nguyện mãi là người chân chính trung thực, sẵn sàng giúp đỡ lại người di cư mới để đền đáp ơn nghiã tất cả người thân thương.

HMP

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment