Friday, May 29, 2015

My Parents


Ba Má Tôi

Mỗi khi nghĩ tới ba mình luôn trong lòng dấy lên tình cảm thương yêu mà mấy chị em hay nói với nhau “ tội nghiệp ba mình” cả đời lo cho con cháu.  Từ thanh niên trai trẻ tay trắng làm nhiều nghề, học nhiều nghề,  tự học vươn lên trong nghề nghiệp đã chọn.  Tinh thần cha luôn vững chải vượt qua tất cả khó khăn vượt qua những cái nhỏ tìm cách vươn tới cái to lớn hơn.  Cố gắng hoài vươn lên vươn lên vượt qua và luôn vượt qua mọi khó khăn khổ nạn tiến tới thành công.  Nhìn những tấm ảnh cha mẹ chụp chung.  Thật hiếm  quý vì hai người luôn bận rộn chăm lo làm việc buôn bán quanh năm.  Chỉ có thời gian ít ỏi nghĩ ngơi vài bữa ngày Tết năm mới để thăm viếng ông bà anh em bà con hay đi chuà.  Tấm ảnh cưới phía sau có nét bút của ba tôi ghi một góc tên hai người PS 195...3 hay 4, con số cuối mờ nhạt.  Cha mẹ có mấy năm son trẻ vui vẻ bên nhau trước khi đứa con đầu tiên ra đời và tiếp sau đó là nhiều đứa bé thơ nữa và liên tiếp bận bịu tất bật chăm lo cho chúng.  Thành phố Đalat những năm đầu thập niên 50 có lẽ vắng lặng ít người bình an.  Dalat xanh tươi quanh năm đồi núi thông reo chập chùng với bao cảnh nên thơ hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, thung lũng Tỉnh Yêu....cho hai người trẻ rong chơi.  Nhìn tấm ảnh con gái Bé nhỏ của tôi đã mô tả “I can see grandparents' faces in the original one.  I can see their eyes looking at me.  They are youthful and beautiful and full of life.  It does not make me sad to look at that wedding photo.  It reminds me of how precious life is because it is so fleeting.  Life and love is so precious because we are only young and vital once.  If we make every moment count like these two people did, then we leave a lasting legacy in our children and grandchildren.  Their beautiful faces looking at me are there forever.  That wedding picture reminds me of how precious youth and vitality are because they are impermanent.  It reminds me to enjoy this beautiful life while I still have it. 

Nhiều năm sau bên nhau trong bận rộn, có ngày Tết một năm đó trong chuyến về thăm ông bà ngoại.  Ông bà ở Mũi Né, lúc đó vẫn còn làng đánh cá nhỏ ven biển cách xa thị xã Phan Thiết.  Chúng tôi đã tới động cát thăm mộ ông ngoại và chụp ảnh, ba má lo chụp ảnh cho con, nhưng cũng có tấm ảnh hai người cười tươi trong khung cảnh tươi sáng có nắng đẹp vả trời biển xanh ngát sau lưng cùng cát vàng dưới chân.  Trên đường đi khi ngang qua Cà Ná ba tôi dừng xe cho cả nhà chạy xuống bờ biển chơi và chụp ảnh.  Tôi có dịp làm thợ chụp hình cho ba má tấm ảnh hai người ngồi bên bờ đá nhìn ra xa xa nước biển xanh.  Nay nhìn lại tự hỏi đây có phải là dự báo trước có ngày con cháu phải vượt qua đại dương tới nơi bờ biển bên kia cho có cơ hội vươn lên.  Cháu gái Bé nhỏ của ông bà ngoại đã viết: “I can see that it reminds everyone of two parents looking into the future and ensuring that their children and grandchildren and generations to come have the best life possible far across the ocean.  We leave in a special place...like in a little garden somewhere close to the sea... for example...or in a temple garden plot... 

khi cả hai cha mẹ đã ra đi mong ước là con cháu trẻ thơ sống hạnh phúc bình an vui vẻ trong khu vườn đầy hoa thơm cỏ đẹp nơi xứ sở thanh bình.  Ba tấm ảnh đẹp và quý trong album gia đình.  Những tấm ảnh nhắc cho con cháu hãy đi tới, hãy vươn lên hoài như ông bà đã làm.  Tháng 5 có ngày Lễ Mẹ và tháng 6 có ngày Lễ Cha.  Thương kính Ba Má muôn đời.

HMP May 2015


Ơn Sâu Nghiã Nặng


Ơn Sâu Nghiã Nặng.

Ai lớn lên ở Đà Lạt, học lịch sử mở mang xây dựng thành phố cũng biết Đà Lạt là nơi người dân di cư tới từ khắp các tỉnh khác. Người dân tộc sống ở đó lâu đời cứ lui dần vào sâu trong rừng núi khi người Pháp tới xây dựng thành phố mới và người Kinh tiếp tục tới định cư làm ăn.  Khi tôi lớn lên thì thành phố đã phát triển rất đẹp với nhiều công trình nhà cửa dinh thự theo phong cách Âu châu.  Người Đà Lạt cũng ảnh hưởng phong cách lịch sự cộng thêm sự hiền hoà chân chất chịu khó, khí hậu cũng ôn hoà mát mẻ ai tới cũng thích.  Cha mẹ tôi cũng di cư tới Đà Lạt trong thập niên 1940.  Hai người đã mê Đà Lạt không quay về quê cũ mà cùng nhau lập nghiệp ở đó.  Chúng tôi đi đâu cũng nhớ quay về Đà Lạt.  Nhưng rồi lại phải di cư xa Đà Lạt. Tháng 10 năm 1988 tôi nộp hồ sơ xin di cư sum họp gia đình đã ở Hamilton.  Chúng tôi hai người công nhân viên chẳng có tài sản tiền bạc mà nghe nói tốn kém cũng sợ.  Nhưng rồi cứ nộp đại, lệ phí nộp đơn chẳng có nhiều và hồ sơ cứ tuần tự đi tới các cơ quan cao hơn.  Chúng tôi nhận thư thông báo mỗi khi hồ sơ đi tới đâu, cũng như nhận được giấy cho phép xuất cảnh và hộ chiếu.  Phiá VN thì không trở ngại nhưng tới gần cuối thì nhận thư từ chối từ cơ quan di trú Canada.  Đó là khoảng đầu năm 1990,  Nhận thư từ chối thì coi như hết hy vọng sum họp gia đình.  Suốt mấy đêm không ngủ được chẳng biết làm gì và chuyện gặp lại sum họp cả gia đình coi như không còn hy vọng.  Hôm đó về Saigon tôi có đem theo lá thư và nói câu chuyện từ chối này với hai người bạn cuả cha mẹ tôi. Chị là dược sĩ chủ tiệm thuốc tây Long Vân góc ngã ba chuà và Phan Đình Phùng.  Nhà cha mẹ tôi góc chuà  Linh Sơn phía đối diện nên là hàng xóm.  Hàng xóm từ đời cha mẹ sang đời con.  Khi anh chị về Saigon ở thì có gặp lại cha mẹ tôi.  Sau khi má tôi đi sum họp với các em thì tôi còn lại một mình, mỗi khi có việc về Saigòn hay đi đâu tôi có đến chơi ở lại, nghĩ lại cũng làm phiền hai anh chị, nhưng lúc đó thì không có ba má và anh chị em ruột ở gần nên “bán anh em xa mua láng giềng gần” kết nghiã bà con.  Lúc nào hai anh chị cũng thương mến đón tiếp nên khi nào có dịp tôi đều ghé nhà anh chị.  Có chuyện gì cũng tâm sự, chị và tôi hay nói chuyện với nhau nhưng anh thì im lặng nghe chúng tôi nói qua nói lại kể chuyện mà không bao giờ bình luận gì.  Hôm đó về Saigon nhận quà của má tôi gởi cho, tôi ghé ăn trưa cùng anh chị và cho xem lá thư từ chối.  Anh chăm chú đọc cũng im lặng chẳng nói gì.  Hai tuần sau nhận điện tín của anh chị gọi tôi về gặp anh chị gấp.  Lần này anh không im lặng mà anh nói là anh có người bạn tên TT bạn học chung trường Kỹ Sư Phú Thọ.  Chị kể hai anh cùng ra trường cùng vào quân trường huấn luyện quân sự, cùng biệt phái làm việc dân sự như nhau.  Tên 2 anh đều bắt đầu vần T anh là LT làm cho sở Điện Lực , còn anh TT làm cho Đắc Lộ.  Mới đây 2 bạn học cũ hội ngộ thì người bạn Đắc Lộ này kể chuyện có quen người làm tại lãnh sự quán Canada. Câu chuyện cơ duyên quen biết giữa anh TT cũng là câu chuyện đặc biệt.   Anh TT khi làm việc cho Đắc Lộ thì có làm việc cho một Linh mục, tới sau tháng 4/1975 cha không được ở Saigon nữa vì cha là người ngoại quốc.  Cha chuyển tới nước khác cũng phụng sự làm việc giúp người.  Cha quen người lãnh sự quán và khi người này qua Saigon làm việc thì cha nhờ đem quà của cha cho anh chị TT, quà là vài cái áo thun hay vài chục đô la. Tôi nghĩ tình thương của cha gói gém trong những món quà đó lại lớn gấp bội.  Người trao quà cũng thương mến hai anh chị, nên khi qua lại Saigon ông trở lại ghé thăm và nhờ hai anh chị hướng dẫn khám phá phong tục tập quán đẹp của ViệtNam.  Hai anh chị LT bàn với tôi hãy copy một bộ hồ sơ để anh nhờ bạn anh là TT nói với người lãnh sự quán này xem có cách nào xem xét lại hồ sơ định cư giúp cho gia đình tôi.  Ông lãnh sự 3 tháng mới qua Saigon một lần, hy vọng chờ lần kế tiếp khi ông qua làm việc sẽ gặp anh chị TT.  Hy vọng thôi vì chuyện ông có đến thăm anh chị TT là do ông và tuỳ duyên.  Chúng tôi cũng nhờ duyên lành may mắn và nhờ lời nói khéo của các anh chị, lãnh sự quán đã lục lại hồ sơ và gởi thư hẹn chúng tôi đến phỏng vấn.  Đó là khoảng muà hè năm 1990.  Trong bộ hồ sơ tôi photo các bài báo địa phương Hamilton nói về thành tích học tập giỏi và công việc của các em tôi.  Khi đi phỏng vấn tôi đem theo hình ảnh toàn bộ gia đình đông đúc đang chờ đón chúng tôi sum họp, và thêm các giấy tờ công việc sẽ làm khi tới nơi.  Sau khi chào hỏi nói chuyện mấy nhân viên sứ quán kết luận chúng tôi là người thành thật những gì chúng tôi nói và hồ sơ đều rõ ràng trung thực, đồng ý cho chúng tôi di cư qua xứ lạnh này.  Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi đã quyết định thay đổi đời sống gia đình tôi.  Sau đó chúng tôi tiếp tục thủ tục khám sức khoẻ và chích ngừa rồi lên máy bay ngày 4 tháng 2 năm 1991.  Chúng tôi tới phi trường Pearson ở Toronto buổi chiều muà đông lạnh giá sau khi quá cảnh qua Thái Lan và Hoà Lan.  Ngày 4 lên máy bay tại Phi  trường Tân Sơn Nhất, tới phi trường Pearson Toronto ngày 5.  Lần đầu tiên cảm nhận được sự vận hành của trái đất từ phương đông sang phương tây.  Lần đầu tiên các con tôi đi máy bay một vòng nửa quả đất với hãng máy bay quốc tế KLM của Dutch.  Hôm tới nơi là ngày muà đông tuyết rơi rơi, vui mừng tới nơi sum họp cùng má tôi và anh chị em, sau 3 chuyến bay ai cũng lân lân trên mây nên khi bước trên đất mà cứ như đi bồng bềnh trên không trung lạ lùng nào đâu chẳng cảm thấy lạnh lẽo.  Mấy năm sau tôi lại được hội ngộ lại anh chị kỹ sư dược sĩ hàng xóm ở Cali, hai anh chị vui mừng khi cùng nhau gặp lại ở bắc Mỹ, tôi vẫn giữ lời cám ơn anh chị trong tâm chưa nói hết ra, năm nay xin qua facebook gởi lời tạ ơn các anh chị.  Qua đến nơi thời gian sau mới biết em tôi đang đi học đâu có tiền đóng trước mua vé máy bay một lần cho 5 người.  Một gia đình người bạn gốc Do Thái ở Oakville dùng credit line của ông bà mua vé dùm.  Trước đó thì IOM cho vay bằng cách mua vé cho người di cư, qua khi tới nơi thì trả lại, tới lúc chúng tôi ra đi người ta không cho ứng tiền trước để mua vé máy bay nữa.  Chúng tôi đi làm ngay sau khi tới định cư được vài tuần và xin thanh toán lại khoảng tiền này cả mấy năm mới hết, tiền thì trả lại được nhưng tình nghiã thì không sao nói hết được, lời tạ ơn còn mãi trong lòng.  Sau đó gặp thêm người bạn gốc Đức.  Người này đọc bài báo địa phương nói về mấy người em rồi sau đó tìm tới thăm và khi em trai tôi đi làm hồ sơ bảo lãnh thì sở di trú không chấp nhận vì lí do sinh viên trắng tay chỉ có ‘student loan’ không có đủ tài chánh tự sống làm sao bảo bọc người mới tới.  Người bạn Đức này nhận lời bảo lãnh về tài chánh giúp, nhờ lời bảo đảm này mà giấy bảo lãnh được chấp nhận.  Nhiều năm sau gia đình tôi vẫn được người bạn Đức này ghé thăm, có cám ơn hoài cũng không đáp lại hết tình thương ông dành cho gia đình chúng tôi.  Nhận tờ giấy vào muà hè, lúc đó văn phòng xuất nhập cảnh của địa phương ngưng hoạt động. Tới ngày đầu tháng 10 mở cửa lại tôi đem hồ sơ đi nộp.  Như vậy cũng hơn 2 năm làm giấy tờ.  Nhìn lại mình đã được rất nhiều phước duyên may mắn, nhiều quý nhân phò trợ.  Mãi hoài xin tạ ơn gia đình tạ ơn cha mẹ, tạ ơn các người em quý báu, và tất cả những người bạn trân quý đã giúp đỡ chăm lo cho gia đình mình trên bước đường di cư và sinh sống suốt bao năm qua.  Năm nào cũng xuân hạ thu đông xoay vần, muà đông thì vẫn lạnh và tuyết trắng vẫn mãi mãi trắng.  Đất lạnh tình ấm hôm nay ôn lại kỷ niệm ân tình người di cư và nguyện mãi là người chân chính trung thực, sẵn sàng giúp đỡ lại người di cư mới để đền đáp ơn nghiã tất cả người thân thương.

HMP

 

 

 

 

Mr. Sun


Ông Trời Đi Trốn Rồi

Sáng sớm nay nhìn ra cửa mặt trời chiếu sáng tôi vui mừng “hôm nay trời nắng đẹp”.  Sáng nào con gái cũng dậy sớm làm thức ăn điểm tâm rất nhanh, rồi sau khi ăn cô sửa soạn nhanh, xong vào khoảng 7 giờ  hay kém 10 phút hay sau 10 phút là cô rời nhà đi làm.  Hôm nay ăn  điểm tâm xong trước khi đi làm cô chào má “I love you” rồi cười cười chỉ tay ra cửa “ông trời đi trốn rồi đó má”.  Tôi  chợt nhận ra mới mươi phút trước ánh nắng chan hoà thì bây giờ mây giăng.  Tôi một mình ở nhà tới chiều, tuỳ bửa 4, 5 hay 6 giờ con gái mới về tới nhà.  Hôm nào trực thì hơn 8 giờ tối mới về nhà.  Tối về nhà còn có khi tiếp tục viết lách đọc tài liệu nghiên cứu.  Vậy mà chiều thứ hai cô đi làm về là đi học vẽ.  Thứ ba chiều về cô đi học đàn.  Chiều thứ tư cô đi học tiếng Pháp ở College.  Thứ 5 và thứ 6 là ngày cô hay trực nên có lẽ vì vậy mà cô không kiếm gì đó để học thêm.  Hôm kia cô đi sớm nhưng mấy phút sau chạy về nhà lại đổ hết đồ và giấy tờ sách vở vô cái ba lô mang lên vai, xong hì hục bơm xe đạp đẩy xe đạp ra khỏi nhà nói “ xe sáng nay không nổ máy” tôi nhìn ra cửa “ sáng nay trời âm u nhiều mây, gió nhiều lạnh quá” “ không sao Bé đạp xe sẽ nóng người lên mà cũng gần thôi đạp xe 15 phút tới” Cô vội đi nhanh không nói gì hơn. Tôi nhìn qua cửa ban công, building có chữ H to nhìn thấy có vẻ gần thôi.  Ở đây mà nhìn được như vậy là gần rồi vì sống thành phố này mà đi làm ở thành phố lân cận khoảng cách xa cả trăm cây số là chuyện thông thường.

Chiều về cô gọi hãng xe, họ cho người tới câu bình cho nổ máy .  “Vì Bé quên tắt đèn nhỏ trong xe mà bình điện bị exhuasted”.  Chờ máy xe nổ xong hai má con chạy xe lòng vòng cho bình điện sạt lại, cô chở tới nơi mà tôi chưa tới, chạy vòng khu down town trung tâm thành phố.   Con gái nói “má đi xe bus tới đây đi chơi đi bộ có nhiều cửa tiệm .  Lần sau Bé biết làm gì khi bị như vậy rồi, nhờ ai cũng được câu bình cho mình chứ không cần gọi hãng xe chờ lâu quá”.  Tôi nghĩ thầm muà này là muà xuân mà còn lạnh vậy.  Nhưng ngồi trong xe mà chờ trong muà đông cả giờ có lẽ chết cóng mất.   Con gái kể : “ hồi sáng trời lạnh nhưng Bé toát mồ hôi đạp xe’.  Tôi hỏi “con có đi tới văn phòng con không?” cô trả lời “có chứ” tôi nói ngay “xa à “ Bé cũng nói liền “ không xa gần thôi con đạp xe mất 15 phút thôi”. Tôi hình dung con đường lên dốc xuống đồi mà cô đạp xe đạp đi làm.  Cô là bác sĩ thực tập tại bệnh viện và bệnh viện có hai cơ sở cách xa nhau nên di chuyển qua lại cũng xa, cô có clinic riêng đặt một trong 2 cở sở nên phải làm việc 2 nơi. Lái xe hơi thì tiện nhưng lái xe đạp thì quá vất vả.  Ngày xưa đi dạy học, đi chợ, đi chơi ở Đàlạt tôi hay đi xe đạp.  Có khi chở hai đứa con một đứa nhỏ ngồi yên trước, một đứa ngồi sau trên chiếc xe đạp mini nhỏ xíu. Đứa nhỏ đi gởi nhà trẻ, đứa lớn hơn đi mẫu giáo rồi mới chạy tới trường.  Đường lên dốc thì dẫn đi bộ, đường bằng bằng thì mới đạp, còn khi xuống dốc phải thắng cho chạy từ từ.  Có lẽ đọc được ý nghĩ của tôi con gái nói “khi lên dốc Bé phải dắt lên vì đạp nặng quá”.  Bé còn cười vui vẻ đã đi làm bằng xe đạp.  Đi xe đạp mà thời tiết trong sáng có nắng ấm thì vui chứ thời tiết âm u mưa rắc rắc cũng phiền chứ chẳng vui gì, vậy mà con gái vẫn vui vẻ cười.  Cô luôn lạc quan ung dung tự tại trong mọi tình huống.  Ở đây thời tiết mát lạnh hơn miền nam, sáng sớm sương mù mù cảnh vật mờ ảo nhiều khi nhớ Đà Lạt, không biết nay có còn Đà Lạt sương mờ giăng trên hồ Xuân Hương.  Tôi hay ra ngoài đi bộ mỗi ngày khoảng một giờ.  Lựa giờ trưa đi ra ngoài, có hôm nắng rực rỡ nhìn có cảm tưởng ấm áp, nhưng con gái dặn trời nắng nhưng ra ngoài thì vẫn lạnh má phải mặc áo khoác đó.  Khi nào trời nắng sáng con gái nói với má “ông trời xuất hiện rồi đó má”.   Lác sau nhìn trời âm u con gái nói “ông trời đi trốn rồi má à, ở đây mặt trời hay đi trốn”.  Tôi hên vì lên đây tuần này ông trời xuất hiện mấy ngày liên tiếp ấm áp.  Nhờ mặt trời không đi trốn nên tôi đi chơi ngắm cảnh thành phố trong nắng sáng vui vẻ.

HMP

May 2015

 


Tuesday, May 26, 2015

Đan Móc

Đan Móc
Quen thói đan móc từ khi nhỏ, qua tới nay tôi vẫn hay đan len.  Lúc đầu mới qua thì má tôi ở nhà có nhận móc mũ cho một hãng gần nhà.  Người ta cung cấp len và móc, đồng thời hướng dẫn mẫu mũ.   Sau đó cứ đưa hàng đến cho làm tại nhà.  Làm xong có người tới nhận theo thời hạn.  Má tôi làm cũng mấy năm.  Tôi cũng làm phụ.  Nhưng may thì mau hơn và nhiều hàng hơn nên sau đó tôi chuyển sang may mũ.  Đan thì mấy năm sau này mới đan trở lại, cũng đan áo đan mũ đan khăn quàng đủ kiểu thuỳ theo loại len.  Nhớ lúc ở Đà Lạt, hầu như con gái đà lạt ai cũng đan móc giỏi.  Lúc còn ở Đàlạt có lúc dan áo len gia công cho công ty xuất nhập khẩu.   Người đan nhận len và mẫu đan của Nhật, đan nhiều áo rất đẹp xuất lại Nhật.  Công việc đó cũng tạo công việc cho nhiều người.  Các bà mẹ có con nhỏ cần chăm sóc, người cao tuổi không có sức lao động nặng phụ con cháu trong nhà đan len.  Công việc cũng cần nhiều sự hợp tác của nhiều người trong nhà mới làm nhiều hàng.  Bên này cũng vậy.  Má tôi và các bà bạn đan móc mũ của bà là các phụ nữ không lái xe, chỉ ở nhà chăm con mọn hay cháu nhỏ.  Chỉ đan móc sau khi làm hết việc nhà cho nên cũng thu nhập ít thôi, nhưng vẫn có tiền vô thì cũng vui vẻ.  Có lúc tôi mơ mở cửa tiệm bán áo len vì bên này trời lạnh quá mà, ai cũng phải mặc áo len khăn len mũ len, găng tay len.  Len Tân Tây Lan, len Úc bên này muốn mua mấy cũng có dể dàng, nhưng người đan không có như ở Đà Lạt đâu.  Áo len từ China nhiều mà rẻ, cho nên người ta mua mặc cho nhanh tiện.  Ít người mặc áo len tự đan.  Đan móc thành công việc làm cho vui tay và tập thể dục hai bàn tay khỏi cứng khớp.  Đan nhiều loại khăn quàng, mũ rồi đợi tới muà đông tặng cho bà con dùng cũng là vui. Tôi có mấy người bạn cũng thích đan len,  học mẫu đan móc trên mạng internet, đan móc lúc coi tivi, lúc ngồi trên xe bus, lúc chờ đợi trong văn phòng bác sĩ...đan móc vì không muốn hai bàn tay thiếu việc làm thêm,  lâu lâu gặp nhau nói chuyện đan len, khoe nhau mấy cái áo khăn đủ kiểu.  Tôi tự nghĩ tại mình dở, dan hoài tốn len mà làm cho vui, chứ giỏi thì làm ra tiền nhiều với nghề đan len này rồi.  Dở quá chứ internet liên lạc khắp 5 châu bán buôn áo len từ xứ nóng qua xứ lạnh là giấc mơ chủ tiêm áo len thành sự thật rồi.

HMP