Thăm Viếng
Hai ngày cuối
tuần dự báo thời tiết sẽ có nắng hanh vàng đẹp, hơi se lạnh buổi sáng nhưng ấm áp vào
buổi trưa. Thứ bảy sáng sớm đường
vắng vẻ, hai người leo lên xe chạy một mạch từ Hamilton tới Ottawa thăm
cháu. 6 giờ sáng khởi hành tới
trưa tới nhà con trai, gặp 3 đứa cháu nội và cùng nhau ăn trưa. Chiều 3 giờ đi tiếp qua Montreal thăm chú
thím. Chú là em Út trong 5 anh em trai
của ba tôi. Chú hơn 80, thím cũng
quá 70, Ba tôi rất thương anh em của mình.
Khi ba còn sống ba hay tâm sự kể chuyện anh em ba khi còn nhỏ
cùng đi học trường làng, ông nội mong ước con trai Út học làm thầy
thuốc vì khi chú mới sinh ông có lấy tử vi của chú nói là người con
Út này nếu lớn lên nếu làm thầy thuốc sẽ là “thầy thuốc mát tay”. Ba tôi kể khi ông nội bị bệnh, trước khi
mất ông nói muốn con trai Út làm thầy thuốc giúp ích cho đời. Vậy là thương cha anh em cùng nhau cố
gắng thực hiện ước mơ của ông. Các
người anh đã lớn ra đời đi làm khuyến khích em nhỏ đi học. Ba tôi kể chuyện chú đi học ở ký túc
xá cũng cực lắm. Mỗi khi ba vô thăm chú, đường đi xa khó thường xuyên gặp
thăm nhau, anh em cũng ít có thời gian bên nhau tâm tình, chú khóc mỗi khi
gặp anh lâu quá mới tới thăm. Những
giọt nước mắt của chú có lẽ đã thấm đậm trái tim ba tôi. Lời trăn trối của cha những giọt nước
mắt của em làm động lực cho người anh trai vượt qua những khó khăn phấn
đấu làm việc, còn người em chịu khó chịu khổ học ngày học đêm, cả
anh em cùng đồng lòng trả hiếu cho cha bằng cách sống thương yêu chăm
lo cho nhau. Các anh em đã làm tròn
ý muốn của cha khi chú tốt nghiệp trường Y Saigon năm 1964. Trong album gia đình tôi có tấm ảnh cưới
của hai người trẻ mặc y phục truyền thống Việt Nam thật đẹp. Ba tôi quý tấm ảnh này và cất giữ mấy
chục năm. Sau này có dịp trao tấm
ảnh lại chú thím tôi mới ngộ ra ba mình đã thương anh em ba không thể
nói hết và đặc biệt tình thương dành cho em Út của ba thì không có
lời nào mô tả được. Gặp lại chú
thím vài ba giờ ngắn ngủi nhưng được nghe chú kể khi chú tốt nghiệp
tú tài ba tôi đã đến lễ tốt nghiệp của chú bồng chú lên mà nói là
“anh sẽ nuôi em học ra bác sĩ”.
Cũng là một lời động viên của người anh thương em. Chú đã là thầy thuốc giỏi suốt 50 năm
qua. Giờ đây ba tôi và các bác đã
ra đi về sum họp với ông bà nội. Chú
là người chăm sóc mồ mã ông bà và từ đường. Tôi hình dung ông nội tôi chắc vui vẻ khi
gặp các con vì ba tôi và các bác đã thực hiện được ý muốn của
ông. Tâm sự chuyện gia đình, kể
chuyện học hành làm việc của các
con của mình là trình với chú thím gia đình mình tiếp tục sống làm
việc chăm lo cho con cháu theo ước muốn tốt đẹp của ông bà cha
mẹ. Ăn một bửa cơm tối với chú
thím và gặp các con cháu của chú thím xong chúng tôi còn thăm gia
đình hai người bạn đồng nghiệp là thầy cô giáo ở Đàlạt. Nhà bạn ở Đàlạt cùng trên con đường
Nguyễn Văn Trỗi. Cùng di cư năm 91
qua quê hương mới, gia đình anh chị H B qua Montreal, ở cách xa nhưng
thỉnh thoảng vẫn liên lạc thăm viếng, hai anh chị đang trông chờ cháu
ngoại ra đời tháng tới. Hai người
vui mừng trông chờ được lên chức ôn mệ, được ẳm cháu trong tay là sung
sướng lắm. Hai bạn ở VN thì hưu
rồi nhưng ở xứ này thì vẫn vui vẻ đi làm dài dài nhiều năm
nữa.
Theo gương chú
thím là bậc cao niên đi trước tuổi trên 70 và 80 thân thể thon gọn và vẫn
nhanh nhẹn sáng suốt đi lại mạnh khoẻ, chú nói cứ tiếp tục làm
việc hoạt động sẽ khoẻ hoài. Tôi
nghĩ thêm đi đây đó vừa ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp vừa học hỏi
thêm cái hay cái mới sẽ không sợ bị bệnh lẫn trí. Hai chú thím vẫn ngồi máy bay 24 giờ
từ VN sang Canada thăm con cháu, như vậy ăn uống đơn giản theo ẩm thực
Việt Nam rất lành mạnh. Chú thím
chính là bài học sống động mà con cháu noi gương theo.
Hai ngày cuối
tuần đi xa 1500 Km để gặp con gặp cháu
nội, chú thím, bạn hữu thân thương.
Đi sớm gặp hên xa lộ tốt không kẹt xe, hai bên đường nhiều cây
lá đổi màu vàng đỏ nâu, có cây lá vẫn màu xanh quanh năm cho nên tạo
thành màu sắc thật đẹp. Khi cần
nghỉ thì mấy cái “quán bên đường” thuận tiện tấp vào đỗ xăng và ăn
uống. Tối đến ở lại “quán nữa đêm” là mấy cái khách sạn đầy đủ
tiện nghi, tự do và thẳng giấc khoẻ khoắn. Đi chơi xa nhưng vẫn thoãi mái vui
vẻ. Cám ơn quê hương mới của mình.
HMP
29/09/2014
No comments:
Post a Comment