Saturday, October 4, 2014

Hẹn Hò Ở Mô


Hẹn Hò Ở Mô

Bạn bè đồng hương muốn gặp gỡ thì trong thành phố có nhiều nơi,  cuối tuần đi chuà hay nhà thờ cũng không hẹn mà gặp.  Muà hè nhiều gia đình, nhóm bạn hay hẹn gặp ở công viên thắng cảnh cùng nhau sinh hoạt vui chơi cả ngày.  Có khi bạn bè muốn gặp nhau hẹn ra thương xá có đủ dịch vụ.  Thương xá ở đây quá đẹp, nhiều cửa hàng trưng bày hàng hoá, trang hoàng đẹp sáng choang hấp dẫn người tiêu thụ, lối đi rộng rãi tha hồ đi bộ, thêm nữa muà đông thì có sưởi nên ấm áp, muà hè có máy lạnh nên lúc nào cũng mát mẻ.  Ở đây mới biết bốn muà nóng đổ lửa, lạnh cắt da đông đá luôn, nắng gay gắt, gió mạnh vần vũ, dù gì cũng không lo khi vào trong cái nhà chợ to lớn gọi là thương xá này.  Thương xá có đủ cửa hàng bán đủ loại y phục, tiệm thuốc, mỹ phẩm , nhà hàng bán đủ loại thực phẩm v.v...chỉ cần ra thương xá là mua sắm đủ thứ đi dạo chơi ngó thôi gọi là window shopping cũng được.  Đường đi tới cũng thuận tiện, đi xe bus thì trạm xe ngay bên cạnh, cho dù không rành tiếng Anh thì các người mới nhập cư cũng rành rọt đường tới thương xá.  Lâu lâu tôi cũng hẹn mấy bà bạn gặp nhau đi lòng vòng trong thương xá.  Có bửa không hẹn gì cả chỉ thuận đường ngang qua thương xá thì cũng gặp vài bà bạn, vì mấy bà ở nhà không làm gì ngày nào cũng ra thương xá đi bộ một mình, đi bộ cả giờ rồi uống cà phê hay uống trà Tim Horton. Ở thành phố Hamilton có nhiều trung tâm thương mại lớn, chỗ chúng tôi chọn làm điểm hẹn nằm ngay trung tâm thành phố là thương xá mang tên vị thị trưởng Lloyd D. Jackson Square, trong thương xá này có thư viện rộng rãi mấy tầng tha hồ đọc sách,  thương xá nối với City Centre 3 tầng trên tầng cao nhất này có trung tâm dạy tiếng Anh cho người mới nhập cư. Nhà nước tạo mọi điều kiện cho dân mà đặc biệt là di dân mới tới trong thành phố học hỏi hội nhập dể dàng, sống vui vẻ hạnh phúc.  Càng ngày càng có nhiều chương trình khuyến khích người dân khắp nơi đến đây du lịch du học, hay đến đây thì ở lại đây đầu tư sinh sống cùng góp sức xây dựng thành phố thành nơi lý tưởng tốt nhất để sống và nuôi dạy con cháu phát triển tương lai giàu đẹp.  Trong thư viện có các phòng họp cộng đồng, nơi đây nhiều cơ quan tới tổ chức workshop thuyết trình hội thảo, tôi gặp các đồng hương VN ở các buổi workshop này là họp hội thảo sức khoẻ hay dịch vụ xã hội.  Các nhân viên làm việc người bản xứ nói tiếng Anh, tôi là người thông dịch nói tiếng Việt.  Nhờ cách thông dịch mà gỡ bỏ được rào cản ngôn ngữ, người dân nhập cư hiểu rõ các đề tài nói chuyện.  Sau nhiều buổi gặp gỡ cộng đồng thì tôi được quen nhiều ông bà bạn trung niên và cao niên nói tiếng Việt. Người nhập cư trung niên qua đây làm lụng hãng xưởng mươi năm sau tới tuổi hưu lãnh lương hưu và tiền già, rảnh rang hay ra thương xá đi bộ mua sắm, tham gia hội thảo học hỏi.  Người trẻ ít gặp trong các cuộc hội họp này vì họ đi học ở trường, người trung niên đi làm hãng xưởng cũng ít gặp, họ không có thì giờ tham gia ngoại trừ bị mất việc.  Qua công việc tiếp xúc tôi quen nhiều bà sống cùng thành phố.  Những người mà tôi quen biết nói tiếng Việt nhưng cũng từ nhiều nước Trung Quốc, Hồng Kông, Lào, Thái, Cam Bốt di cư tới đây.  có mấy bà đặc biệt cùng có tên giống nhau là Muối.  Mấy bà bạn Muối của tôi, một người từ Chợ lớn, một người từ Nông Pênh, một người từ Hải phòng, một người từ Quảng Ninh. Vài bà nữa từ Cà Mâu Rạch Giá.  Hai nàng Muối phía Bắc Việt thì sau mấy đời sinh sống ở VN họ trở về Trung quốc cuối những năm 1979 – 80.  Sau đó di cư tiếp qua Hamilton.  Nàng nào cũng trên 70, có bà xấp xỉ bước qua ngưỡng cửa 80 mà vẫn khoẻ mạnh, trang phục áo váy lịch sự, nữ trang đeo toàn vàng  thiệt 24 cara, vòng ngọc xanh biếc. Các bà trông trẻ trung vui vẻ không thể nhìn qua mà đoán chính xác số tuổi thật nhiều như vậy.  Các bà đã nhiều năm lo chăm sóc chồng con cháu, lo chạy vạy làm lụng cơm áo nay lãnh lương già của chính phủ.  Làm đủ mọi nhiệm vụ với gia đình thì có người giờ là goá phụ sống độc thân.  Đó là lí do ở nhà chẳng có gì làm nữa, ra thương xá đi bộ lòng vòng tập thể dục cho cứng chân chờ ngày đi sum họp với người yêu với cha mẹ tổ tiên.  Nhiều ông bà tới tham gia hội họp là cha mẹ mới đến những năm sau 2000 do con bảo lãnh.  Nhập cư vài năm sau là đổi mới, đa số mập mạp ra, dung mạo đẹp đẽ da dẻ sáng ra trẻ trung hơn, áo quần lịch sự sang trọng.  Chỉ có tiếng Anh học hoài không thấm vào đâu thôi.  Phần đông ở lâu thì bề ngoài có thay đổi chớ bên trong thì không, cho nên mâu thuẫn với các con cháu lớn lên hay sinh ra bên đất này càng tăng.  Tôi hay thân thiện với các bà vì mình là phụ nữ nên gần các nàng, các nhân viên thông dịch nam sẽ giúp các ông.  Mỗi bà một bồ tâm sự riêng, gặp tôi là xổ ra đủ thứ chuyện xưa chuyện nay, chuyện sức khoẻ phụ nữ cao tuổi và cao máu cao đường cao huyết áp,  chuyện chồng con cháu chắc.  Tôi gật gù nghe, người xả được uất ức bao năm cũng thoải mái mà người nghe cũng được tin cậy lắm họ mới nói, nên im lặng lắng nghe.  Kể chuyện thì người ta hay nhớ kể chuyện khổ chớ chuyện sung sướng thì người ta giữ cho riêng mình biết, hoặc người ta quên không nhớ để mà kể lể.  Nhiều khi chọn cách nghe tai này tuôn qua tai kia ra luôn vào hư không cho khỏi bị stress theo những câu chuyện đời buồn nhiều hơn vui.  Đa số gặp nhau trong thương xá các bà đi dạo chơi ngắm hàng hoá, lựa hàng thử áo quần mới đang hạ giá, muốn mua thì mua, không thì trả lại người ta cũng không trách móc. Ăn uống thì có đủ thực phẩm khắp thế giới, cà phê nước trà nước ngọt đủ vị khắp năm châu tự chọn, muốn ăn uống thức ăn Ý, Ấn, Mỹ, Nam Mỹ, Mễ, Tàu, Thái, Việt... cũng chỉ vài dollars là no bụng.  Người gốc Việt muốn ăn món chả giò phở cơm mì hủ tiếu có đủ.  Ăn uống thoải mái giá rẻ rồi mà bạn bè tâm sự đủ thứ chuyện.  Thương xá mà tiếng Anh là  “mall” phát âm giống như chữ “mô” tiếng Việt, chuyện kể trong “mô” gởi lại chỗ mô mà tốt nhất bằng gởi lại trong “mô” ni.  Chuyện nói ra xong thành chuyện xưa rồi cứ thảnh thơi quên hết mà phơi phới chia tay bạn ra về.  Nhóm bạn tôi ai cũng vui vẻ hẹn hò ở “mô” là vậy đó.

HMP

03 Tháng Mười 2014


 

 

 

 

 

 

 

Thăm Viếng


Thăm Viếng

Hai ngày cuối tuần dự báo thời tiết sẽ có nắng hanh vàng đẹp,  hơi se lạnh buổi sáng nhưng ấm áp vào buổi trưa.  Thứ bảy sáng sớm đường vắng vẻ, hai người leo lên xe chạy một mạch từ Hamilton tới Ottawa thăm cháu.  6 giờ sáng khởi hành tới trưa tới nhà con trai, gặp 3 đứa cháu nội và cùng nhau ăn trưa.  Chiều 3 giờ đi tiếp qua Montreal thăm chú thím.  Chú là em Út trong 5 anh em trai của ba tôi.  Chú hơn 80, thím cũng quá 70, Ba tôi rất thương anh em của mình.  Khi ba còn sống ba hay tâm sự kể chuyện anh em ba khi còn nhỏ cùng đi học trường làng, ông nội mong ước con trai Út học làm thầy thuốc vì khi chú mới sinh ông có lấy tử vi của chú nói là người con Út này nếu lớn lên nếu làm thầy thuốc sẽ là “thầy thuốc mát tay”.  Ba tôi kể khi ông nội bị bệnh, trước khi mất ông nói muốn con trai Út làm thầy thuốc giúp ích cho đời.  Vậy là thương cha anh em cùng nhau cố gắng thực hiện ước mơ của ông.  Các người anh đã lớn ra đời đi làm khuyến khích em nhỏ đi học.  Ba tôi kể chuyện chú đi học ở ký túc xá cũng cực lắm. Mỗi khi ba vô thăm chú, đường đi xa khó thường xuyên gặp thăm nhau, anh em cũng ít có thời gian bên nhau tâm tình, chú khóc mỗi khi gặp anh lâu quá mới tới thăm.  Những giọt nước mắt của chú có lẽ đã thấm đậm trái tim ba tôi.  Lời trăn trối của cha những giọt nước mắt của em làm động lực cho người anh trai vượt qua những khó khăn phấn đấu làm việc, còn người em chịu khó chịu khổ học ngày học đêm, cả anh em cùng đồng lòng trả hiếu cho cha bằng cách sống thương yêu chăm lo cho nhau.  Các anh em đã làm tròn ý muốn của cha khi chú tốt nghiệp trường Y Saigon năm 1964.  Trong album gia đình tôi có tấm ảnh cưới của hai người trẻ mặc y phục truyền thống Việt Nam thật đẹp.  Ba tôi quý tấm ảnh này và cất giữ mấy chục năm.  Sau này có dịp trao tấm ảnh lại chú thím tôi mới ngộ ra ba mình đã thương anh em ba không thể nói hết và đặc biệt tình thương dành cho em Út của ba thì không có lời nào mô tả được.  Gặp lại chú thím vài ba giờ ngắn ngủi nhưng được nghe chú kể khi chú tốt nghiệp tú tài ba tôi đã đến lễ tốt nghiệp của chú bồng chú lên mà nói là “anh sẽ nuôi em học ra bác sĩ”.  Cũng là một lời động viên của người anh thương em.  Chú đã là thầy thuốc giỏi suốt 50 năm qua.  Giờ đây ba tôi và các bác đã ra đi về sum họp với ông bà nội.  Chú là người chăm sóc mồ mã ông bà và từ đường.  Tôi hình dung ông nội tôi chắc vui vẻ khi gặp các con vì ba tôi và các bác đã thực hiện được ý muốn của ông.  Tâm sự chuyện gia đình, kể chuyện học hành  làm việc của các con của mình là trình với chú thím gia đình mình tiếp tục sống làm việc chăm lo cho con cháu theo ước muốn tốt đẹp của ông bà cha mẹ.  Ăn một bửa cơm tối với chú thím và gặp các con cháu của chú thím xong chúng tôi còn thăm gia đình hai người bạn đồng nghiệp là thầy cô giáo ở Đàlạt.  Nhà bạn ở Đàlạt cùng trên con đường Nguyễn Văn Trỗi.  Cùng di cư năm 91 qua quê hương mới, gia đình anh chị H B qua Montreal, ở cách xa nhưng thỉnh thoảng vẫn liên lạc thăm viếng, hai anh chị đang trông chờ cháu ngoại ra đời tháng tới.  Hai người vui mừng trông chờ được lên chức ôn mệ, được ẳm cháu trong tay là sung sướng lắm.  Hai bạn ở VN thì hưu rồi nhưng ở xứ này thì vẫn vui vẻ đi làm dài dài nhiều năm nữa. 

Theo gương chú thím là bậc cao niên đi trước tuổi trên 70 và 80 thân thể thon gọn và vẫn nhanh nhẹn sáng suốt đi lại mạnh khoẻ, chú nói cứ tiếp tục làm việc hoạt động sẽ khoẻ hoài.  Tôi nghĩ thêm đi đây đó vừa ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp vừa học hỏi thêm cái hay cái mới sẽ không sợ bị bệnh lẫn trí.  Hai chú thím vẫn ngồi máy bay 24 giờ từ VN sang Canada thăm con cháu, như vậy ăn uống đơn giản theo ẩm thực Việt Nam rất lành mạnh.  Chú thím chính là bài học sống động mà con cháu noi gương theo.  

Hai ngày cuối tuần đi xa 1500 Km để gặp con  gặp cháu nội, chú thím, bạn hữu thân thương.  Đi sớm gặp hên xa lộ tốt không kẹt xe, hai bên đường nhiều cây lá đổi màu vàng đỏ nâu, có cây lá vẫn màu xanh quanh năm cho nên tạo thành màu sắc thật đẹp.   Khi cần nghỉ thì mấy cái “quán bên đường” thuận tiện tấp vào đỗ xăng và ăn uống. Tối đến ở lại “quán nữa đêm” là mấy cái khách sạn đầy đủ tiện nghi, tự do và thẳng giấc khoẻ khoắn.  Đi chơi xa nhưng vẫn thoãi mái vui vẻ.  Cám ơn quê hương mới của mình.

HMP

29/09/2014