Thursday, October 31, 2013

Hành Trình Di Cư


Di Cư

Từ lâu lâu lắm con người đã di cư từ nơi này tới nơi khác. Di cư bằng nhiều cách, đi bộ, thuyền, ngày nay đi máy bay. Di cư vì nhiều lý do, đi tìm vùng đất mới canh tác vì vùng đất cũ hết màu mỡ không cho đủ lương thực sống; di cư từ làng quê hẻo lánh ra vùng thành thị. Di cư tìm ra nơi khác kiếm thu nhập cao hơn, nhà cửa tiện nghi tốt hơn. Di cư trốn tránh cường hào ác bá trong làng, trong tỉnh nhỏ.  Di cư tránh chỗ nhiều thiên tai lũ lụt.  Di cư thầm lặng không cần thủ tục giấy tờ rắc rối, im lặng đi tới các vùng lân cận bất kể không cùng chung ngôn ngữ chủng tộc, cứ tới ở rồi quen thành dân địa phương qua vài đời. Di cư bất ngờ không tính trước hay ra đi sau khi lập kế hoạch tính toán lâu dài.  Sung sướng nhất và an toàn nhất là kiểu di cư sau hằng loạt giấy tờ hồ sơ leo lên máy bay đi máy bay từ nơi này tới nơi khác định cư.  Đi học xa và rồi thích nơi du học mà ở lại không quay về nơi lớn lên nữa cũng là cách di cư an toàn này.    Nhưng dể dàng trong nói hai chữ di cư.  Còn phần bắt đầu và chuẩn bị ra sao để đi và hành trình từ nơi cũ tới nơi mới là chuyện dài dòng khó khăn.

Cuộc hành trình của gia đình tôi bắt đầu từ cha mẹ.  Cha tôi đã từ làng Truồi di cư tới cao nguyên Lang biang sống cùng anh cả của ông và 3 người em ở thành phố Đà lạt vào đầu thập niên 1940.  Mẹ tôi từ làng Mũi Né ra Phan Thiết học, xong đi tiếp tới ĐàLạt học tiếp thành nữ y tá.  Hai người trẻ gặp nhau kết hôn và di cư qua Buôn Mê thuộc sống một thời gian ngắn rồi dẫn nhau về làng Truồi cất căn nhà tranh trên đất của ông bà nội.  Khi có 3 đứa con lại di cư tiếp trở lại ĐàLạt.  Rồi đi cư lên thành phố mới thành lập là Quảng Đức, cha làm thầu khoán xây dựng nhà cửa và các công trình nhà cửa công cộng, Mẹ mở tiệm thuốc và hành nghề y tá.  Làm ăn khá rồi năm 1969 di cư trở lại Đà Lạt làm ăn sinh sống, mà mục đích là có trường học tốt cho các con.  Mà cũng có lý do bỏ đi vì cường hào ác bá đá chụp mũ cộng sản bắt giam hai anh em cha năm 1968 khi hai người làm ăn khá giả nhờ nghề thầu khoán và buôn bán, sau khi tốn nhiều tiền “chạy chọt” cho những người muốn ăn tiền mà tạo ra cớ để bắt giam mình thì được tự do ra về nhà, sau đó thì hai người anh em cùng di cư tiếp, dọn công việc làm ăn và cả con cái về Đà Lạt bắt đầu lại.  Tưởng là êm đềm ở Đàlạt mãi. Nhưng lại có biến cố sau khi thay đổi chính quyền 1975, công cuộc đánh tư sản mại bản nhắm vào thành phần gia đình sinh sống nhờ nghề buôn bán và bao nhiêu khó khăn đổ dồn thúc đẩy di cư tiếp ra hải ngoại tới Canada.  Mấy người con tới Canada rồi sau khi học hành thành tài lại tiếp tục di cư tiếp qua Mỹ sống, lần này di cư chạy theo công việc và cơ hội làm việc.  Mẹ tôi khi tới Canada thì tới tuổi hưu không còn làm việc nhưng già thì có trợ cấp tiền già đủ cho bà chi tiêu và được chăm sóc sức khoẻ đầy đủ tới khi mất. Từ đây, từ khi chúng tôi nhận được sự hỗ trợ trong học vấn và y tế, tôi nhận ra chế độ chăm sóc người dân tốt cuả chính phủ Canada.  Di cư từ nơi này tới nơi khác là dọn cả nhà và đồ đạc.  Cha mẹ phải dọn đồ, cho bớt đồ dùng cồng kềnh và quá cũ, bán bớt những đồ tốt cũng được, thu dọn gọn gàng rồi cha mẹ con cái chất lên xe ra đi tới nhà mới mà trước đó cha hay mẹ đã tới trước chuẩn bị, hay dọn tạm tới nhà bà con mà cha mẹ đã tới trước gặp và hỏi ở nhờ hay thuê tạm.  Sau đó là mở lại công việc làm tiếp tục tạo quan hệ mới, tìm trường cho con học tìm nhà ở khu gần trường cho con đi học.  Cha mẹ lo toan đủ thứ, đối phó đủ thứ và phải siêng năng thức khuya đậy sớm làm việc liên tục mới được cuộc sống tốt đẹp.  Mỗi lần di cư là một lần khổ cực trăm thứ cho cha mẹ.  Di cư hay dọn nhà từ thành phố này tới chỗ mới trong nước thì còn dọn hết đồ đạc và những thứ kỷ niệm, nhưng dọn nhà từ Việt Nam qua tới Bắc Mỹ thì chỉ đi thân không với một hai bộ đồ, tốt hơn và may mắn là với ít vàng giấu trong người mà không bị cướp khi băng qua biển lớn bằng chiếc thuyền mong manh.  Cách dọn nhà này vô cùng khó khăn vì trốn mà đi, hành trình trên thuyền nhỏ giữa biển cả mênh mông mà 9 phần chết chỉ có 1 phần sống. Sao mà dọn nhà nhiều lần quá.  Mục đích cha mẹ dọn nhà là tới nơi làm ăn tốt hơn kiếm thu nhập cao hơn, có trường tốt cho con đi học, đời sống an ninh tốt hơn chổ cũ, công việc làm ăn được pháp luật rõ ràng bảo đảm.  Làm sao cho con cháu có đời sống tốt hơn, tương lai tốt đẹp hơn.  Di cư từ làng quê ra tỉnh, di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác trong nước thì không ai ta thán nhớ nhung quê mình.  Có lẽ vì chỉ cần vài giờ lái xe hay leo lên xe đò thì trở lại nhà ông bà ở quê cũ.  Mà khi đã ra đi xa chỗ cũ định cư nơi mới cũng hiếm khi trở lại chỗ cũ nếu đó không phải là nhà của cha mẹ ông bà ở lại nơi đó.  Khi còn ở Đà lạt, mỗi năm vào đầu năm mới cha tôi chở hết cả nhà về nhà ông bà ngoại ở làng Mũi Né thăm một hoặc hai ngày rồi trở lại Đàlạt.  Trong mấy ngày thăm viếng đó là thăm mộ ông bà xem cần sửa chỗ nào, thắp nhan tưởng niệm, kết hợp đi chơi vòng quanh làng và thăm bạn thân của ông bà ngoại rồi về.  Muà hè có lần cha tôi chở gần hết con về thăm Huế và làng Truồi.  Má tôi phải lo buôn bán và chăm sóc em bé nhỏ nhất còn bé không thể đi xa. Những lần đi đó lúc tôi đã lớn là kỷ niệm vui mà cha đã tạo cho các con biết quê hương nguồn gốc ông bà tổ tiên.  Di cư từ làng Truồi và từ làng Mũi Né, cha mẹ hội tụ tại Đà Lạt, các con lớn lên ở Đà lạt trong bầu không khí bình an êm đềm.  Đà lạt là nơi gọi là quê hương của gia đình.  Cha đã qua đời và nằm tại Đà lạt.  Thương nhớ cha là nhớ Đà lạt. Trước khi cha qua đời đã đưa con tới bờ bến mới là Canada.  Di cư từ Việt Nam sang Bắc Mỹ là đi một vòng băng qua mặt nửa bên kia của trái đất.  Chúng tôi tiếp tục đi tới nối tiếp đời sống như dòng sông chảy liên tục, các con lớn lên tiếp nhận văn hoá cuả nơi mà chúng sống.  Lớn lên ở đâu thì nơi đó được yêu mến,  nơi mình sinh sống chính là quê hương, các con cháu sinh ra lớn lên nơi đây.  Quê hương cuả con cháu là nơi Bắc Mỹ này.  Cách xa với quê hương của ông bà tổ tiên, chính mục đích muốn cho con cháu có đời sống tốt hơn mình mà cha mẹ đã rồi làng quê di cư liên tục và kết quả là con cháu tới nơi quê hương mới.  Chính tôi chẳng còn muốn di chuyển tới cư trú ở nơi nào mới nữa.  Đời sống thanh bình nơi đây mà sau khi mình ra đi con cháu mình sẽ ở trong môi trường tiện nghi và khung cảnh tươi đẹp bốn muà.  Tôi luôn nhớ ơn cha mẹ đã lo cho mình và con cháu được có đời sống như hôm nay.

Tạ ơn Ba Má đã đưa con cháu từ làng Truồi và Mũi Né tới quê hương mới Bắc Mỹ.  Nhớ cha mẹ với bao muôn vàn khó khăn tìm cho con cháu một nơi cư trú bình an như nơi đây là cha mẹ muốn con có quê hương mới hạnh phúc.  Nguyện sống đời đàng hoàng vươn lên như ý muốn Ba Má.

Mỗi ngày tôi đều khấn nguyện tạ ơn ba má mình. 

Thương nhớ Ba má

Monday, October 21, 2013

Ước Mơ Của Cha Tôi


My Father’s Dream – Giấc Mơ của Cha Tôi

Tôi gọi cha mình là Ba.  Tôi là đứa con lớn nhất và được nghe nhiều lời tâm sự của cha mẹ.  Được có cơ hội đi với cha từ Đà lạt ra tới Huế, khi còn trẻ ông theo xe chở hàng hoá rau cải từ đàlạt ra Huế và những gì xảy ra trong thời niên thiếu ông đem ra kể khi có dịp đi ngang qua bất cứ thành phố nào dọc quốc lộ 1.  Tôi nhận ra điều ước muốn của ông là luôn ao ước đi học trở thành kiến trúc sư, hay kỹ sư.  Ông rất quý những người bạn kỹ sư có thời ông hợp tác làm việc.  Nhưng bản thân ông thì không có cơ hội học hết trung học,  Ông thường nói với tôi phải cố gắng học có bằng cấp và có công việc từ sự học này, con sẽ có cuộc sống tốt đẹp được mọi người kính mến, con không phải bươn chải khốn khổ vì miếng ăn hằng ngày rồi cả đời chỉ làm sao lo có đủ ăn mà không làm gì khác được. Ông thúc đẩy tất cả các con đi học, tìm trường tốt cho con học.  Khi nào nhớ cha mình tôi luôn nhớ ba cứ lo nơi ăn ở cho con tốt đẹp và nhất là nhà gần trường cho các con tiện đi lại học hành.  Trong những giai đoại khó khăn thì ba tôi vẫn tự xoay sở sinh sống làm sao cho các con tiếp tục học.  Có một giai đoạn tại nơi chúng tôi sinh sống việc học hành trở nên khó khăn.  Người ta tạo ra nhiều cản trở cho trẻ con qua lý lịch qua thành phần gia đình.  Chúng tôi thuộc gia đình buôn bán, ở tại thành phố nhỏ Đàlạt hơn  ba chục năm trước.  Khi học xong trung học muốn vào cấp học cao hơn phải thi vào trường mà mình chọn, thi đủ điểm rồi thì danh sách đưa về địa phương, các học sinh đủ điểm và kèm thêm bản kê khai lý lịch 3 đời.  Học sinh sẽ được ban tuyển sinh chấp nhận cho đi học dựa vào bản lý lịch mà họ gởi qua xét tại địa phương.  Như vậy học sinh trong những năm đó đa số chọn gởi đi học nhờ bản lý lịch chứ chưa chắc đủ khả năng.  Lý lịch gia đình được phê duyệt qua phường là gia đình thuộc hộ buôn bán và còn bị kiểm kê trong chiến dịch đánh tư bản mại sản thì không thuộc thành phần để các con trẻ được tiếp tục vào các trường trung cấp cao đẳng hay đại học.  Ngoại trừ người con đã học trường đại học từ trước 1975 thì có thể cứ tiếp tục.  Những đứa trẻ lớn lên chẳng vướng víu bụi trần tự nhiên được xếp hạng thành phần gì đó và không được đi học như khả năng và ý muốn.  Do gia đình bà con của ba có người làm việc trong ban tuyển sinh thì chính những người này đến gặp ba tôi nói chuyện và mới biết những khó khăn cho chuyện đi học lên tiếp sau trung học.  Ba tôi đã có cơ hội đi một vòng từ nam ra thủ đô Hà nội trở về, ông băn khoăn cho tương lai con cháu.  Kết quả ông đầu tư liều mạng cho con vượt biển.  Hoặc là sống với cơ hội mà mình được phát triển trí tuệ đóng góp xã hội và chính bản thân mình qua đó sống đàng hoàng danh dự hay là về bên kia thế giới với tổ tiên.  May là phúc đức của gia đình chúng tôi đã may mắn đến sinh sống ở Bắc Mỹ,  cơ hội học hỏi mở cánh cửa rộng rãi cho những ai muốn học.  Tất cả anh chị em chúng tôi 9 đứa đã tốt nghiệp college hay đại học. Một điều mơ ước của cha tôi dành cho con đã được viên mãn.  Giấc mơ của ba về các cháu của ông vẫn mãi mãi không dứt và chúng tôi nối tiếp ước nguyện của cha mẹ xây dựng cho thế hệ kế tiếp.  Các cháu lớn lên vài đứa cháu đã học xong college và đại học.  Chúng tôi có chín anh chị em không ở gần nhau trong cùng một thành phố.  Chính sử dụng facebook và qua hình ảnh mấy đứa cháu tôi mới biết các cháu lớn ra sao, vui vẻ với bạn bè cùng trang lứa.  Mỗi ngày tôi khấn nguyện tạ ơn ba má, và chúng con sẽ tiếp tục chăm sóc các cháu cẩn thận như ba má đã chăm sóc chúng con.  Luôn thương và kính nhớ Ba Má.