Ông Bà Ngoại
Khi nghĩ về ông bà
Ngoại tôi luôn luôn thán phục ông bà. Nhìn ảnh ông bà tôi hình dung lúc còn
trẻ hai ông bà đều đẹp. Ông ngoại
cao to như người ngoại quốc. bà ngoại dong dỏng cao ốm, bà thường mặc
bộ áo bà ba, quần sa tanh đen và áo chỉ mặc trong 3 màu đen nâu trắng
bằng vải lụa hay coton nhẹ. Ông bà
luôn nghiêm chỉnh, không nói nhiều hay nói lớn tiếng, cung cách ăn mặc sinh
sống nhà cửa thật giản dị.
Tôi nghĩ lại khi ông
bà ngoại bắt đầu gia đình của mình.
Ông bà thật thơ mộng lãng mạn đã cùng nhau chọn sống ở vùng
xa xôi vắng vẻ là làng chài lưới nhỏ vài chục nóc nhà sát ven
biển, làng Mũi Né. Có lẽ ông bà ngoại
thích vùng biển bao la, trời xanh biển xanh sóng đẹp mênh mông. Ông ngoại có bà con anh em ruột ở Phan
Thiết, ở Đà Lạt.
Năm 2010 tôi về thăm nhà ông ngoại và được đi với cậu Bốn về
thăm nhà thờ tự dòng họ Võ tại Hội An.
Bà con ông ngoại
vẫn còn ở gần Hội An chăm sóc nhà thờ tự này. Nhớ lại khi xưa ông ngoại hay nói ông gốc người Quảng Nam. Như vậy vào
những năm cuối của thập niên 1920 có chàng thanh niên có học thức,
chàng nói được tiếng Pháp và đọc viết tiếng nôm tiếng quốc ngữ đã
rời làng quê của mình đi vào miền nam.
Người thanh niên còn có nghề cắt tóc đó đã gặp cô thiếu nữ
thanh mãnh thật đẹp và hiền dịu tại Phan Rang. Người thiếu nữ khéo tay tự sinh sống bằng
nghề làm kẹo, may vá. Nàng đang chăm sóc một người em trai tuổi còn nhỏ
đang đi học. Sau này người em đi tu
trở thành vị sư trú trì chuà Trùng Khánh. Hai người trẻ đã cùng nhau đi dọc bờ
biển ngắm trăng sao, ngắm mặt trời mọc và lặn dọc bờ biển Ninh Chữ,
Cà Ná và đã dừng chân tại bờ biển Mũi Né, cất nhà bên bờ biển
sống trọn đời bên nhau.
Gia đình Việt Nam
hay sống chung hay sống gần nhau cả đại gia đình anh em cha mẹ mấy thế
hệ. Vùng đất Quê hương mà ông bà
cha mẹ đã chọn đâu thì con cháu cứ tiếp nối sống ở đó. Nhưng có lẽ hai ông bà ngoại chọn sống
cho nhau nên khi bắt đầu cuộc sống chung hai người lại chọn nơi hẻo
lánh để sống và như vậy hạnh phúc riêng tư thật trọn vẹn chỉ có hai
người. Ông bà đã chọn xây nhà sát mé biển và
vào những năm đầu 1930 nơi nhà ông bà Ngoại ở phiá trước nhà nhìn ra
biển, chỉ đi hai phút tới ngay biển rộng, sau nhà đi 10 phút là những
động cát vàng cao vút nối tiếp nhau. Ông bà ngoại rất yêu thương Mũi né. Khi đi đâu xa nhà chỉ thời gian ngắn như
thăm viếng gia đình cha mẹ tôi một hai tuần là ông bà ngoại nói nhớ
nhà của ông bà và phải trở về thôi. Ông ngoại từ giã bà ngoại ra đi
năm 1969 sau thời gian bị bệnh. Ông
mất ngày 29 tháng 5. Bà ngoại giữ
lại cái áo của ông làm kỷ niệm mà bà luôn đem theo mình. Năm 1983 bà ngoại cũng về sum họp với
ông ngoại cùng ngày 29 tháng 5 sau thời gian già nua đau ốm. Ông bà ngoại đã thương yêu nhau thật đậm
đà tha thiết. Tôi tin rằng trong cõi
thiêng liêng ông bà vẫn mãi bên nhau.
Mũi Né lúc đó
im ả vắng lặng, muốn về Mũi Né phải tới Phan Thiết rồi đi xe đò cả
nửa ngày trên con đường nhỏ ngập ổ gà gập gềnh. Cho tới năm 1987- 88 về thăm quê Mũi Né
cũng còn nhiêu khê. Nhưng khoảng từ
những năm 1995 tới nay, đường sá được sửa sang. Nhiều trung tâm nghĩ mát, khách sạn được
xây lên, bao nhiêu chộn rộn ồn ào thay thế không gian cô tịch. Ngay nghiã địa nơi ông ngoại nằm phải
dời nhường chỗ cho các khu nhà sang trọng xây cất, sân chơi gôn xây
trùm lên động cát. Muĩ Né trở
thành nơi du lịch nổi tiếng. Ông
ngoại có tiên đoán được sự phát triển của làng chài lưới nhỏ thành
trung tâm du lịch nổi tiếng như hôm nay không hè? Ông ngoại có vui khi ngày
nay ở Mũi né gia đình nào cũng có bà con anh em khắp thế giới, nhiều
nhà cửa đơn sơ lụp xụp thay thế bằng biệt thự như các nước tân tiến
tây phương? Tôi tự hỏi và không muốn tự trả lời, cứ để dành câu trả
lời cho tới khi nào gặp lại ông bà tôi sẽ nhận câu trả lời cuả chính
ông bà ngoại. Tôi bây giờ đến lúc
gặp ông bà cũng không lâu, dù trở thành bà nội nhưng đối với ông bà
tôi vẫn bé và trong tôi ông bà ngoại luôn hiện diện. Lòng thương quê
ngoại mãi tràn ngập, niềm thương nỗi nhớ sẽ hoài hoài không bao giờ
hết.
Hoàng Mỹ Phương
No comments:
Post a Comment