Sunday, January 31, 2016

Bạn cùng lớp


Bạn cùng lớp

Nhìn những hình ảnh lớp 12 A1 BTX nhớ lại quãng đời học sinh sinh viên của mình những năm xưa.  Sau khi học xong lớp 12 ba tôi dẫn ra Huế thi dự bị y khoa trường đại học khoa học.  Ý định của ba là con ráng học bác sĩ về Trại Mát ba có miếng đất cất phòng mạch và nhà bảo sanh để hai má con làm việc vì má là y tá lâu năm rất giỏi về đỡ đẻ và chữa bệnh mát tay, nhất là phụ nữ cần có người chăm sóc sức khoẻ là nữ bác sĩ, nữ y tá...Theo ý ba tôi là bác sĩ thì suốt đời có thu nhập cao mà được mọi người kính trọng.  Thi đậu dự bị y khoa ba tôi rất mừng, đi học được gần hết năm học tới học kỳ 2 thì thay đổi chế độ mới.  Học xong năm 1 dự bị thi rớt vào trường y.  Ba tôi rất thất vọng về tôi, tôi chuyển được qua học năm 2 sinh vật Sư Phạm Huế.   Ba tôi rất giận vì lúc đó ông ra thăm Hà Nội có nghe câu vè “nhứt y, nhì dược, tạm được bách khoa, chó chạy cùng đường mới vào sư phạm”.  Ba tôi hay nói vậy là tôi rơi từ cái tương lai thứ nhứt thành cái cùng cực tệ nhất trong sự sắp hạng nghề nghiệp lúc đó.  Mặc dù cũng có báo chí ca ngợi thầy cô giáo là “kỹ sư tâm hồn” ba tôi vẫn giữ lập trường không có gì tệ hơn chọn nghề “chó chạy cùng đường mới vào sư phạm” của tôi.  Muà hè 1976 ba tôi và tôi gặp ông anh họ của ba là Hoàng Xuân Nhu, bác là chính ủy trường ĐHSP Huế.  Tôi nói với bác xin đổi vào ĐHSP Saigon học cho gần nhà, bác hướng dẫn tôi viết đơn bác gặp ông bạn là hiệu trưởng trường SP xin và được ông chấp nhận ký tên đóng dấu.  Tôi ra Huế xin rút hồ sơ vào nộp phòng giáo vụ ĐHSP Saigon.  Khi gặp ông trưởng phòng giáo vụ lúc đó là ông LL thì ông từ chối.  Tôi chạy ra gặp ba tôi đang đứng ở ngoài nói không được chấp nhận.  Ba tôi nạt cho, “cái gì kỳ vậy ông hiệu trưởng ký đơn chấp nhận mà không cho vô học là sao, phải hỏi cho ra lẽ”.  Nghe ba tôi nóng giận tôi hết hồn chạy vô lại văn phòng năn nỉ chú LL cho tiếp tục học.  Lần này không hiểu sao ông đồng ý.  Xem hồ sơ bảng điểm ông chê học dự bị rồi 1 năm học sư phạm ông tính năm 1 nên viết giấy cho nhập học năm 2 thôi, cầm mảnh giấy mừng được vô học nhưng cũng tiếp tục năn nỉ thưa chú ngoài Huế cháu học xong năm 2 mà chú cho học tiếp năm 3.  Ông không chịu cứ lắc đầu một mực nói cho học năm 2 thôi, tôi đang phân vân mà trong lúc nói chuyện thì có một cô xinh đẹp mặc áo trắng thêu quần tây xanh đậm đi vào, cô ngồi xuống ghế đối diện và hỏi “ chú ơi có bảng phân công tác cho sinh viên tốt nghiệp chưa chú?” Cô nghe chuyện của tôi dang năn nỉ, cô không ngần ngại nói ngay “thưa chú như vậy học xong năm 2 rồi, mỗi năm mỗi khó mà chú thông cảm cho em”  Vậy là ông LL sửa số 2 trong tờ giấy vô lớp của tôi thành số 3 và nói cơ sở khoa học tự nhiên ở trên đường Nguyễn Văn Cừ.   Chỉ trong một tích tắc cho tôi vào tiếp tục lên lớp năm 3 được quyết định bằng con số trên tờ giấy nhận vào lớp nhỏ xíu.  Tôi mừng quá cám ơn và chạy nhanh gặp ba tôi đang chờ, ba tôi vẫn không phấn khởi hơn, có lẽ lúc đó tôi cứ đi học cho có nghề thôi chứ ông chỉ thích nghề y.  Cho tới bây giờ cũng không quên dung mạo người con gái cao gầy thanh thanh nét mặt hiền hoà trong sáng nói giọng miền nam ngọt lịm đã vài lời nói thêm mà tôi được tiếp tục năm học 3 ở sư phạm Saigon.  2 năm học sư phạm Saigon có những người bạn mới và người bạn gắn bó từ đó tới nay thường xuyên liên lạc mà tôi luôn thương mến và nhớ ơn là Thoa.  Vào lớp học mới biết rất nhiều người từ nhiều trường khác nhập vào lớp đó.  Một số người đã có gần đủ tín chỉ để đậu cử nhân của trường Đại học Khoa học Saigòn, một số khác chuyển từ các trường đại học Tây Ninh Cần Thơ Đàlạt về học tiếp.  Tôi biết có 1 người đã có gia đình, có nhiều người tuổi hơn tôi 4 hay 5 năm, Có nhiều người “bị” học tiếp lớp này vì những thay đổi thời thế làm chao đảo mất phương hướng và sự thay đổi trong các trường đại học đẩy họ đi tới gia nhập lớp sinh vật này.  Những lúc sinh hoạt ngoại khoá và thực tập là lúc tâm sự giải bày mới hiểu những người trong lớp hơn.  Khi tôi tốt nghiệp 1978 tôi điền nguyện vọng là về Đàlat thì người bạn thân thương T về Qui Nhơn, và đi dạy ở Mộ Đức Quãng Ngãi, sau đó về dạy Kỹ thuật Qui Nhơn thì tôi vẫn dạy Đàlạt.  Bao năm qua dù đi đâu vẫn thư từ liên lạc, có lần T ghé thăm tôi ở Đàlat.  Rôì khi T lập gia đình và lại trở lại sinh sống ở Saigòn.  Người học lớp sư phạm Huế thì năm 81 có gặp Tử Quy dạy trường trung học Di Linh.  Lớp dự bị khoa học thì có gặp lại BS Hùng chồng cô Bê dạy Hoá cùng trường BTX.  Còn có BS Phạm Xuân Thành.  Ông PXT tốt nghiệp vô Di Linh làm việc gặp anh Kim ở Trạm xuất nhập khẩu Di Linh cho nên mới biết hồi xưa có học chung lớp.  Lâu quá thời đi học đại học chỉ nhớ thế thôi.  Tôi đã di cư đi xa tới Bắc mỹ 1991.  Tôi cũng hết nghiệp làm cô giáo.  Người bạn quý là Thoa cũng thôi làm cô giáo từ khi lấy chồng sinh con.  T vẫn thường xuyên liên lạc và tôi có gặp lại năm 2010 khi về thăm Saigòn.  Rất mong có ngày gặp lại T và những người bạn cùng lớp  Sư Phạm khoá 1978 mà nay có lẽ tất cả đã về hưu.  Bạn học là những người bạn khi nào gặp cũng vui và tràn đầy thương mến.  Học xong trung học, học xong đại học sau này học thêm ở Mohawk college cũng là kiến thức căn bản thôi, khi đi làm học thêm trong công việc và cả đời học hoài.  Có những lớp học chẳng có cái bằng nào nhưng lại là kiến thức đạo đức sống rất quan trọng cho đời mình. 

HMP

Sunday, January 31, 2016




Wednesday, January 6, 2016

Gia Tài Cuả Má


Gia Tài Của Má

Tối qua mơ thấy Má tôi tóc trắng rất đẹp vui vẻ mà còn nói Má có để tiền cho con làm của hồi môn, chắc là hồi môn cho đám cháu gái của Má.  Má tôi đã qua đời 5 năm trước.  Gia tài má để lại cho tôi là một bọc len vụn đủ màu.  Nói là len vụn vì bọc len gồm nhiều cuộn len đủ cở đủ màu, trong đó cũng có những cuộn len còn nguyên đan được cả cái áo nhỏ.  Nhìn mấy cục len là nhớ má mình lúc nào cũng đan, móc crochet đủ thứ áo mũ.  Má còn ở nhà móc mũ kiếm tiền lúc mới qua định cư Canada trong nhiều năm, tiền công móc 1 cái mũ hai ba dollars mà phải móc cả ngày mới xong được 1 cái.  Lúc còn nhỏ gia đình sinh sống ở Đà Lạt nên vùng cao nguyên lúc nào cũng mát lạnh và cần áo len, má tôi đan đủ thứ áo cho con mặc.  Má bắt đầu đan áo từ khi má còn trẻ.  Bà kể thời gian đi học ở Đà Lạt, má có một khoảng thời gian ở Domain de Marie với các Xơ, và thời gian đi học y tá, xung quanh bà nhiều bạn bè đan áo mặc vì lạnh quá, má cũng học đan, lúc đầu đan cho mình sau đó đan cho mối ngoài chợ Đà Lạt.  Có các bà mở sạp ở chợ lầu Đà Lạt cứ ra đó nhận len về đan xong đưa cho họ và lãnh tiền công.  Đan nguyên bộ áo cho em bé sắp sanh gồm áo mũ và vớ, tiền công khiêm tốn thôi mà cũng hăng hái đan, đi đâu cũng mang theo giỏ xách có cục len và kim đan, tận dụng đan ở mọi chỗ và bất cứ phút giây giờ giấc nào thuận tiện.  Không biết má tôi còn đan gì nữa để kiếm thêm tiền lúc còn học sinh. Nghe Má kể chuyện đan len tôi hình dung bà rất khéo tay vì khi tôi bắt đầu biết nhận xét thì có những chiếc áo len má tôi đan cho em bé sắp ra đời rất đẹp.  Có hai cái áo len màu xám nhạt mà má tôi đan cho Ba tôi, Ba tôi không mặc nữa nên lúc đó má tôi cho cậu mợ lúc cậu tôi đi dạy ở Đà lạt.  Cậu cũng không mặc nữa vì áo quá cũ bị đính mực đỏ vài chỗ.  Cậu mợ lúc đó mới có hai cô gái nhỏ Lychi và Lyem.  Mợ tháo áo len ra, giặc sợi len, phơi khô, cuộn lại rồi đan thành nhiều đôi vớ cho con gái. Tối tối mợ mới rảnh ngồi đan, trước khi đi ngủ.  Mợ vừa tháo áo cũ vừa kể chuyện.  Áo len có những chỗ khó tháo, mợ tôi cười Má cháu đan kỹ quá, lúc đó má cháu mới quen ba cháu chắc yêu dữ lắm nên má cháu mới đan áo này từng mũi cẩn thận kiểu cọ cũng nhiều, áo em đan cho anh mặc cho ấm tình đôi ta ha ha ha….” thỉnh thoảng mợ cắt bỏ rồi tháo rồi nối.  Mợ kiên nhẫn tháo rồi mợ nhờ tôi cầm giúp để mợ cuộn thành cuộn to cho dể ngâm nước giặc cho thẳng sợi len, sau đó phơi vài nắng cho khô rồi lại cuộn thành cuộn nhỏ rôì mới bắt đầu đan.  Tối mợ vừa đan vừa kể chuyện.  Mợ vui tính nên chuyện mợ kể lúc nào cũng vui.  Sau này tôi mới nghĩ ra mợ chỉ chọn lọc chuyện vui mà nói.  Chuyện gì buồn mợ không nói cho nên tôi chỉ nghe mợ kể chuyện khôi hài thôi.  Đó là lúc cậu đi huấn luyện chuyên môn vắng nhà, cậu là thầy giáo muà hè nào cũng tập trung huấn luyện chuyên môn với đồng nghiệp một nơi nào do bộ giáo dục chọn nên có năm phải đi xa.  Lúc cậu ở nhà thì mợ bận lo cho cậu nên không có nói hay kể chuyện nhiều.  Nhưng hai chiếc áo len cũ đan lại thành cả chục đôi vớ ngắn dài cho em bé thay đổi ấm chân.  Tính ra thì Má tôi đan áo đó hơn mười lăm năm mà rồi mợ vẫn tận dụng các sợi len đan thứ khác là mợ tôi và má tôi đều giỏi.  Len mới đan thành áo mới nhưng khi áo len cũ rách thì tháo áo cũ ra đan lại thành áo mới khác hay không đan áo thì đan  những thứ khác như khăn quàng, găng tay, vớ, mũ.  Cách này thì các bà mẹ đã tiết kiệm mà các con cháu cũng vẫn có áo mới mặc.  Mỗi khi nhìn tấm ảnh đứa em thứ mười mặc áo len ôm phần thưởng cuối năm là tôi nhớ má tôi đã tháo mấy cái áo cũ của mấy đứa anh nó mới bỏ phần len mục rồi chập lại hai sợi cho dày đan thành chiếc áo này cho em mặc ấm đi học mấy năm.  Má tôi lúc đó vừa bán hàng trong tiệm của mình vừa làm nghề y tá, vừa phải nấu nướng mà vẫn đan áo cho con nữa là má tôi làm không nghỉ tay.  Má đã tận dụng mọi lúc mọi nơi để đan.  Má tôi đã dạy tôi đan khi học lớp 1, thấy má đan cũng đòi đan vậy là tôi nhớ má tôi cho tôi đôi kim đan nhỏ và cục len rồi dạy cho đan mũi xuống Tôi bắt đầu tập đan một miếng vuông nhưng vụng về chỗ to chỗ nhỏ không biết lúc nào thêm ra bớt vô cho nên sau đó thì chán không đan nữa.  Đến lớp 3 thấy má tôi móc áo thì cũng thích học và má tôi chỉ cho làm sao bắt đầu móc và cũng không biết nhiều nên thói trẻ con ham chơi lại chán không tiếp tục.  Bây giờ nhìn túi len gia tài má để lại tôi lại tiếp tục đan móc và mỗi khi đan móc thì nhớ lại má mình.  Má tôi đã ra đi năm má 77 tuổi.  Mấy năm qua rồi và từ khi tiếp tục đan móc tôi cứ nhớ má mình đã có hai bàn tay khéo léo.  Tôi lại bị cứng khớp nên vận động đan móc cũng là cách tập thể dục cho hai bàn tay mỗi ngày.  Hôm nay kỷ niệm 5 năm ngày má đã ra đi nhưng thật sự má tôi đâu có đi đâu xa mỗi khi nhìn mấy cuộn len lại thấy như má còn ngồi đó đan từng chiếc áo cho con cho cháu. Chuyện dể dàng tưởng như đơn giản nhưng thật ra với người bận rộn lo toan làm lụng nuôi gia đình  như Má tôi thì giỏi mới làm được vì đâu phải ai cũng đan được.  Đan nhiều kiểu mà thành áo thành mũ...không phải dể dàng.  Có hôm gặp bà bạn chung building với má tôi, bà hỏi thăm biết má tôi đã mất.  Bà chỉ cái áo len đang mặc nói chính má tôi đã đan tặng bà cái áo này.  Đan móc trong lúc coi tivi để vận động các ngón tay và tận dụng thời giờ của mình.  Đời bà mẹ thì cũng giống như cuộn len, còn con cái chính là áo len, cuộn len cạn thì thành áo len đẹp.  Mẹ làm xong nhiệm vụ và ra đi để lại những đứa con tiếp tục nối tiếp đời sống.  Tôi cũng đang đi tiếp đời má mình, mỗi khi đan nhớ mình có tới 3 cô cháu nội nhỏ.  Nhưng nghề đan len này không biết hết đời mình có truyền dạy lòng yêu thích đan móc cho tới cháu gái mình được không.  Hay là gia tài đan móc của má tôi sẽ ngừng ngang đời tôi thôi.  Vì tôi đã dùng hết bọc len của má tôi để lại rồi, tôi móc cho mỗi đứa cháu một cái mền và áo poncho làm kỷ niệm.

HMyPhuong